Tăng trưởng tiếp tục trông vào chính sách tiền tệ
Duy trì tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro | |
Bóc vỏ mục tiêu, tìm lõi tăng trưởng | |
“Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế” |
Tăng trưởng kinh tế trong quý II đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên để đạt mục tiêu GDP tăng 6,7% năm 2017, nền kinh tế rất cần có sự bứt phá trong 6 tháng cuối năm. Chia sẻ tại hội thảo “Chính sách tài chính - tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia nhấn mạnh, chính sách tài chính - tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục là một trong những lực đẩy quan trọng để tạo ra sự bứt phá của tăng trưởng.
Điều hành của NHNN đang đi đúng hướng
Tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Thế Phương cho biết, kinh tế vĩ mô đang trong xu hướng ổn định tốt hơn nhờ tăng trưởng GDP trong quý II đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Song tính chung trong 6 tháng, tăng trưởng GDP mới đạt 5,73%, cao hơn không đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2016 (5,65%). Mức này cũng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2017.
Dữ liệu từ năm 2000 đến nay chỉ ra rằng Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa vào vốn là chủ yếu |
Kết quả trên cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và các năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm. Vì vậy, Bộ KH&ĐT khuyến nghị, để đạt được tăng trưởng theo mục tiêu đã đề ra, bên cạnh các giải pháp dài hạn như tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách DNNN, phát triển kinh tế tư nhân... trước mắt cơ quan quản lý cần tập trung vào chính sách tài chính - tiền tệ.
PGS-TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) nhận định, trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, mức lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm mạnh nhất. Đây là tín hiệu tích cực giúp cho các TCTD giảm lãi suất cho vay nói chung, các chương trình tín dụng ưu tiên nói riêng và vốn chảy mạnh hơn vào nền kinh tế thực. Ông Hùng đánh giá đây là hướng đi đúng.
Tuy nhiên, dữ liệu từ năm 2000 đến nay chỉ ra rằng Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa vào vốn là chủ yếu, trong khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm xuống. Vì vậy cũng cần lưu ý không nên nôn nóng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng quá nóng và nhanh, nếu không sẽ gây ra rủi ro.
TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính - tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển bổ sung, nghiên cứu số liệu cung tiền Việt Nam từ 2001 - 2016 cho thấy, khi cung tiền tăng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng với độ trễ khoảng 6 tháng. Trong ngắn hạn, khi tăng cung tiền, lạm phát tăng cao và nhanh. Nhưng tăng cung tiền ở mức hợp lý thì sẽ giúp ổn định và kiểm soát lạm phát. Mức cung tiền trong 6 tháng đầu năm mới đạt xấp xỉ 5,69%, thấp hơn so với mục tiêu cả năm là 16-18%. Vì vậy còn có thể tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2017, nhưng vẫn cần thận trọng lựa chọn các kênh tăng cung tiền phù hợp.
“Chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng độ trễ còn rất lớn do vướng mắc ở quy trình thủ tục. Phải làm sao để chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn, sẽ tác động nhiều hơn, hiệu quả hơn”, ông Hoát nhận xét.
Đánh giá về tác động của tỷ giá tới tăng trưởng, chuyên gia nói trên cho biết khác với nhiều nước trên thế giới, khi đồng nội tệ mất giá, thường kích thích tăng trưởng thông qua gia tăng xuất khẩu. Nhưng ở Việt Nam sự mất giá của VND tác động tới tăng trưởng không đáng kể do đặc điểm của cơ cấu xuất nhập khẩu và các yếu tố khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khi tỷ giá tăng sẽ làm lạm phát tăng ngay vào tháng sau.
Từ thực tế đó có thể thấy chính sách kiểm soát tỷ giá từ nhiều năm nay của NHNN là phù hợp với thực tiễn kinh tế Việt Nam. Nếu Việt Nam không kiểm soát và để tỷ giá tăng cao thì sẽ gây tác động rất tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Áp lực nào cho cuối năm?
Đánh giá chung về thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm 2017, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - NH cho rằng NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và nhất quán, lựa chọn giải pháp phù hợp gắn liền với các mục tiêu đặt ra và điều kiện thị trường cụ thể. Tín dụng tăng trưởng khá đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Thanh khoản hệ thống NH được đảm bảo tốt và mặt bằng lãi suất duy trì ổn định mặc dù chịu áp lực tăng vào đầu năm. Thị trường ngoại hối ổn định trở lại sau một số biến động trong hai tháng cuối năm 2016.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, chính sách tiền tệ đang phải thực hiện đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát song vẫn cần đảm bảo tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao, đồng thời lại cung cấp các gói tín dụng hỗ trợ tăng trưởng… Bên cạnh đó, vốn từ ngân hàng cũng góp phần phát hành trái phiếu Chính phủ thành công, song các bộ ngành lại tiến hành giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến chi phí tăng lên do vốn không đưa được vào nền kinh tế mà vẫn phải trả các chi phí vay.
Vì vậy, dự báo thị trường tài chính - tiền tệ 6 tháng cuối năm 2017 còn đối diện nhiều nguy cơ rủi ro. Theo đó, đối với môi trường quốc tế, Fed có thể tăng lãi suất một lần nữa vào năm 2017 và hai lần vào năm 2018. Chính sách tiền tệ của NHTW các nước vẫn trên đà thắt chặt thêm. Chính sách bảo hộ thương mại tăng và chính sách thuế mới của Mỹ có tác động đến thương mại, đầu tư…
Đối với môi trường trong nước, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu đi động lực tăng trưởng bền vững sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính - NH trong trung và dài hạn. Trong lúc đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế (bao gồm cả xử lý nợ xấu) vẫn còn nhiều thử thách. Năng lực tài chính của hệ thống NH vẫn còn chưa vững mạnh.
Trước bối cảnh đó, ông Lực khuyến nghị điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm cần tiếp tục theo hướng thận trọng, chặt chẽ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn; đồng thời tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững hệ thống các TCTD.
Các giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu này là mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý (16-18%) trong năm 2017; đảm bảo thanh khoản hệ thống cuối năm, nhất là trong bối cảnh huy động vốn tăng chậm hơn so với tín dụng; tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các TCTD và triển khai Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.