Tăng trưởng và hiện tượng đột biến
Nhiều yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm | |
Tăng trưởng tiếp tục trông vào chính sách tiền tệ | |
Hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng |
Câu chuyện tăng trưởng GDP luôn trở thành tâm điểm của dư luận trong những tháng vừa qua. Khi tăng trưởng của quý 1 đột ngột rơi xuống mức thấp 5,15% thì một loạt dấu hỏi đặt ra về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong bối cảnh đà tăng trưởng tưởng dường như đã được lấy lại trong năm 2016. Và khi tăng trưởng quý 2/2017 tăng tới 6,17% thì dư luận lại tập trung vào việc liệu mức tăng trưởng như vậy có hợp lý hay không, có bền vững hay không.
Ảnh minh họa |
Công ty tư vấn đầu tư MarketIntello cho rằng, tốc độ tăng trưởng quý 2 năm nay cao hơn quý 1 tới hơn 1 điểm phần trăm có thể được xem là mức tăng bất thường, là một hiện tượng đột biến. Nhìn lại 2 quý vừa qua, theo MarketIntello, tăng trưởng đột biến có đóng góp quan trọng bởi khu vực dịch vụ. Cụ thể trong khi khu vực nông nghiệp chỉ đóng góp 0,43 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2 điểm phần trăm thì khu vực dịch vụ đóng góp tới 2,59 điểm phần trăm.
“Nếu như trong 6 tháng cuối năm khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng trưởng như thời gian vừa qua thì triển vọng nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao là hoàn toàn có thể, nhưng dĩ nhiên, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực nông nghiệp cần phải lấy lại được đà tăng trưởng”, theo ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc MarketIntello.
Số liệu thống kê từ năm 2000 đến nay cho thấy, khu vực dịch vụ là khu vực có mức tăng trưởng tương đối ổn định nếu so sánh với khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ. Từ quý 3/2015 trở lại đây, khu vực này thể hiện xu hướng tăng khá bền vững, tức mức dưới 6% lên mức 6,85% vào quý 2/2017.
MarketIntello cũng chỉ ra những thách thức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2017 nhìn thấy ngay trong các giải pháp thúc tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra. Đáng chú ý nhất trong là giải pháp nâng tỷ trọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP lên mức kỷ lục 34-35%. Nếu như kế hoạch này được thực hiện thì đây sẽ tỷ trọng cao nhất kể từ năm 2010. Để đạt được mức đầu tư toàn xã hội cao như vậy, Chính phủ tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hạ lãi suất và xử lý nợ xấu để thúc đẩy tín dụng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài,...
Tuy nhiên, khả năng thúc đẩy khu vực tư nhân mở rộng đầu tư cũng có thể vẫn sẽ gặp trở ngại nếu như Chính phủ không thuyết phục được DN và nhà đầu tư rằng các giải pháp kích thích tăng trưởng tín dụng hiện nay sẽ không dẫn đến lạm phát tăng cao hoặc bất ổn vĩ mô trong tương lai. Ông Minh lưu ý: “Thực trạng tăng trưởng nóng của nền kinh tế giai đoạn 2006-2008 cho thấy một khi “con hổ” lạm phát một khi đã xổng chuồng thì rất khó có thể nhốt lại mà không khiến cho nền kinh tế phải trả giá”.
Tốc độ tăng trưởng (cộng dồn từ đầu năm) của các khu vực của nền kinh tế theo quý so với cùng kỳ năm trước, 2000-2016. (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Nhóm giải pháp đáng chú ý tiếp theo là tăng cường khai thác khoáng sản, Chính phủ điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017 để nâng sản lượng khai thác dầu thô trong nước thêm tối thiểu 1 triệu tấn. Theo MarketIntello, kế hoạch này sẽ gặp nhiều thách thức và khó khả thi vì giá dầu thô quay trở lại xu hướng suy giảm sau khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và một số nước Ả-Rập. Giá dầu thô vẫn duy trì ở mức giá thấp thì hút thêm dầu sẽ gây thua lỗ cho đơn vị khai thác.
Trong bối cảnh sức cầu trong nước vẫn yếu, mở rộng thị trường xuất khẩu có lẽ vẫn sẽ là “lối ra” để cho nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng cao trong năm nay. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục, từ Mỹ cho tới châu Âu và Trung Quốc, thì đây là cơ hội tốt để Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, có vẻ như chỉ có khu vực FDI là tận dụng được cơ hội này. Trong khi mức tăng chung của xuất khẩu cả nước 6 tháng đầu năm đạt 18,9% thì tốc độ tăng của khu vực doanh nghiệp FDI là 21%. Do khó khăn trong việc mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, khu vực DN trong nước sẽ khó có thể đẩy mạnh được đầu tư trong 6 tháng cuối năm như Chính phủ mong muốn.
“Khả năng nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,7% như theo kế hoạch cũng như duy trì được mức tăng trưởng cao trong dài hạn vẫn là một câu hỏi mở. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc liệu Việt Nam có thể cải thiện được mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng hiện nay hay không vì đây mới là nhân tố chính quyết định Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong tương lai”, theo MarketIntello.
MarketIntello cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế tiếp tục được kỳ vọng sẽ diễn biến tích cực trong nửa cuối năm 2017 nhờ viễn cảnh lạc quan ở lĩnh vực dịch vụ và triển vọng phục hồi ở khu vực công nghiệp và xây dựng”.
“Chúng tôi nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 lên mức 6,4%”, ông Đinh Tuấn Minh cho biết. Tuy nhiên ông nhấn mại rằng, mức tăng trưởng cao chỉ có thể đạt được nếu như Chính phủ thuyết phục được cộng đồng DN và nhà đầu tư về khả năng kiểm soát được rủi ro vĩ mô trong những năm tiếp theo.