Tạo cơ chế đặc thù để TP. HCM “cất cánh”
TP. Hồ chí minh: Dừng các dự án BT đang đàm phán | |
Nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho DN |
Chính phủ cho biết, việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư... tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước...
TP. HCM đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường |
Gia tăng nội lực
Theo dự thảo, Quốc hội dự kiến sẽ thí điểm giao cho HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất. Nội dung này theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai năm 2013, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Quốc hội sẽ thí điểm giao cho HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công.
Nội dung này theo quy định tại Điều 8 của Luật Đầu tư công, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời quy định về trình tự, thủ tục quyết định thực hiện như đối với dự án nhóm B đã giao cho thành phố thực hiện, nhưng bổ sung thêm điều kiện phải có báo cáo tiền khả thi.
Còn về quản lý tài chính - NSNN, Quốc hội giao cho TP. Hồ Chí Minh được thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới. Đồng thời quy định UBND thành phố phải lập đề án để trình HĐND thành phố xem xét báo cáo Chính phủ để trình UBTVQH quyết định.
Các khoản thu tăng thêm do điều chỉnh chính sách thu trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Ngoài ra, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP. Hồ Chí Minh hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN.
Cũng theo dự thảo nghị quyết, hàng năm, thành phố được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% theo quy định Luật NSNN.
Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. TP. Hồ Chí Minh sẽ sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Điểm đáng chú ý khác, HĐND TP. Hồ Chí Minh sẽ được quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của thành phố.
Đồng tình nhưng vẫn băn khoăn
Thảo luận tại tổ về các nội dung này đa số đại biểu cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số thu NSNN trên địa bàn cao nhất cả nước; tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương.
Tuy vậy, hiện nay thành phố lại đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đô thị đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và khu vực.
Đồng tình với ban hành nghị quyết để TP Hồ Chí Minh phát triển, song đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) băn khoăn về tăng mức thuế suất, việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản… so với quy định của các sắc thuế hiện hành.
“Dự thảo nghị quyết quy định việc tăng bảo đảm nguyên tắc “phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố, tuy nhiên quy định như vậy còn rất mơ hồ”, đại biểu Hương nói.
Tán thành việc ban hành nghị quyết, song đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) cho rằng, cơ chế như dự thảo vẫn chưa đạt được độ thông thoáng cho TP. Hồ Chí Minh. Dự thảo nghị quyết cần quy định rõ đối tượng, chỉ nên đánh thuế vào người sở hữu bất động sản thứ hai nhưng đang bỏ không, không đưa vào sử dụng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc thực hiện thí điểm phải phù hợp với Hiến pháp. Trước đây, có một số lĩnh vực phân cấp cho Thủ tướng quyết thì sắp tới sẽ giao lại cho thành phố thực hiện để đảm bảo nhanh và phù hợp hơn. Còn những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của bộ, ngành không phải thuộc nghị định của Chính phủ thì sau nghị quyết này sẽ có nghị định hướng dẫn tiếp tục phân cấp cho thành phố.
Liên quan đến vấn đề tăng một số loại thuế, Bộ trưởng cho rằng, mức tăng thuế ngoài khung thì thành phố phải có đề án đánh giá rất cụ thể trình lên Chính phủ và Chính phủ sẽ nghiên cứu, quyết định, trình UBTVQH chứ không phải quy định như vậy là làm ngay được thuế tài sản. “Tất nhiên, cũng tùy từng loại thuế mới tăng, như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể làm được ngay, nhưng phải có đề án chi tiết”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Phó tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì lưu ý, việc tăng thuế phải thận trọng bởi theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội mới có thẩm quyền quy định, quyết định sửa đổi, bãi bỏ sắc thuế, các luật thuế cũng quy định cụ thể về vấn đề này, giờ không thể giao cho HĐND TP. Hồ Chí Minh ban hành một số sắc thuế mới, chưa nói thuế là liên quan đến quyền cơ bản của con người, quyền công dân.