Tạo thói quen quản trị rủi ro tỷ giá
Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá | |
DN chưa mặn mà với phòng ngừa rủi ro tỷ giá | |
Rủi ro tỷ giá: Phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại |
Tỷ giá là biến số kinh tế có ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận DN, một khi tỷ giá biến động mạnh sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho DN. Thế giới đã chứng kiến nhiều công ty, nhất là những công ty vay vốn bằng ngoại tệ mà nguồn thu chính là từ đồng bản tệ, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu lao đao vì biến động tỷ giá.
Kể từ sau khi chế độ tỷ giá Bretton Woods sụp đổ vào đầu thập niên 1970, sự biến động của tỷ giá mạnh mẽ hơn đã kéo nhiều công ty lớn trên thế giới đi xuống. Đặc biệt là nhiều công ty tên tuổi của Mỹ và Nhật đã vướng vào những rắc rối về tỷ giá trong các thập niên 1980 và 1990.
Ảnh minh họa |
Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra đối với các DN và cơ quan điều hành lúc đó phải làm sao đó để giảm thiểu những tác động bất lợi của biến động tỷ giá đến hoạt động DN? Các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá trên thị trường ngoại hối vì thế đã ra đời, như hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, hợp đồng quyền chọn… do các NHTM thực hiện.
Ở nhiều quốc gia, dưới chế độ tỷ giá thả nổi, các DN đã rút ra được những bài học cay đắng về sự biến động tỷ giá vào những thập kỷ 80-90, và đã có những biện pháp phòng ngừa để tỷ giá không ảnh hưởng đến lợi nhuận DN, như trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, các DN đã sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro ngoại hối và nâng cao khả năng dự báo biến động tỷ giá.
Đối với các DN Việt Nam, thực tế trong giai đoạn vừa qua biến động tỷ giá ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các công ty, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu.
Phải chăng các DN Việt Nam đã không có những biện pháp phòng ngừa kịp thời? Hiện nay nhiều NHTM Việt Nam đã triển khai các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhưng các DN sử dụng rất ít. Nguyên nhân chính là do am hiểu của DN về các công cụ này, và nhận thức về tầm quan trọng của quản trị rủi ro còn hạn chế, không có thói quen đề phòng phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Trong giai đoạn tới khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn nữa, nhiều đồng tiền như EUR và CNY sẽ còn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong hệ thống đồng tiền thanh toán chính của các công ty ở Việt Nam. Khi ấy, độ nhạy cảm của các DN với biến động tỷ giá giữa các đồng tiền chính với nhau cũng sẽ trở thành một vấn đề rất phải quan tâm (mà biến động giữa các đồng tiền mạnh như EUR so với USD thì lớn hơn rất nhiều so với cặp USD/VND).
Chính vì vậy, tỷ giá đã và sẽ trở thành một rủi ro mà các DN cần phải bỏ nhiều công sức để xem xét phòng ngừa, tuy đây là câu chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Để đối phó với rủi ro này, một mặt các DN Việt Nam cần phải nâng cao nhận thức và học cách tự phòng vệ; mặt khác các cơ quan điều hành chính sách nên thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt hướng về thị trường và tạo ra thói quen quản trị rủi ro cho toàn xã hội.