Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Ủy ban cạnh tranh nằm ở đâu?
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo, cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 123 điều, trong đó bổ sung thêm 1 chương mới (8 điều), 2 điều mới, gộp 7 điều thành 2 điều, bỏ 3 điều, bổ sung một số điểm, khoản...; quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh…
Một trong các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Qua thảo luận, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính độc lập cũng như thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nếu Ủy ban này trực thuộc Bộ Công Thương như quy định trong dự án Luật.
Bởi quy định này có thể sẽ khiến Ủy ban không có tính độc lập. Chưa kể Ủy ban vừa quản lý về cạnh tranh lại vừa tiến hành tố tụng cạnh tranh là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc cũng như tính thực chất của Ủy ban này.
Từ đó luồng ý kiến này đề nghị không quy định cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương mà thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.
Tuy nhiên cũng có ý kiến tán thành quy định cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh.