Nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Việt
Tái cơ cấu nông nghiệp: Hướng tới phát triển bền vững | |
Vốn tín dụng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp | |
Để đẩy mạnh KHCN trong nông nghiệp |
Trong bức tranh toàn cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những điểm sáng, giá trị xuất khẩu có nhiều cải thiện trong quý II/2016. Đặc biệt, đã có những chú trọng đáng kể vào khâu sản xuất và chế biến làm tăng GTGT cho các mặt hàng nông sản. Việc nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn bắt đầu quan tâm và chuyển hướng đầu tư bài bản vào nông nghiệp cũng là những tín hiệu rất đáng mừng.
Các DN tập trung vào khâu chế biến sản phẩm |
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên.
Như năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, đối mặt với nhiều khó khăn như GTGT thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời không cao.
Nguyên nhân là do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; số lượng các DN nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển chậm, thiếu liên kết hiệu quả.
Thực tế cũng đã cho thấy, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng giảm, phát triển kém bền vững.
Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 5,4-5,6% tổng đầu tư cả nước. Đầu tư của DN tư nhân trong nước cho nông nghiệp còn thấp, ông Bình cho biết thêm.
Với góc nhìn của một DN, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) đề nghị, Nhà nước cần đổi mới chính sách hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực nông nghiệp, như ưu đãi thuế, lãi suất… Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo, dạy nghề cho cho nông dân cũng cần phải có sự tiếp sức của Nhà nước chứ chỉ DN vào cuộc là chưa đủ, ông Tam nhấn mạnh.
Chúng ta cần có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân và DN sản xuất nông nghiệp tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất thay cho các hình thức canh tác truyền thống; phổ biến rộng rãi các kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại nhằm giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, cần có những hỗ trợ vốn hoặc thiết bị, công nghệ cho các mô hình sản xuất hữu cơ hay công nghệ cao nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp theo xu hướng chung của thế giới.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm. Bản chất của thị trường là cạnh tranh nhưng cạnh tranh phải có quy mô, nếu quy mô nhỏ thì không cạnh tranh được. Chúng ta phải làm cách nào để hỗ trợ người nông dân, những người có sáng kiến trong ngành nông nghiệp thu lượm những giá trị gia tăng cho mình.