Thay đổi chính sách, khơi dòng đầu tư công
Thủ tướng ra "tối hậu thư" giải ngân vốn ODA | |
Giải ngân vốn ODA: "Cái giá" của sự chậm trễ | |
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ODA |
Tính đến thời điểm hiện tại, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của tăng trưởng trong năm 2017. Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đến nay các nhóm giải pháp ngắn hạn điều hành nền kinh tế hầu hết đều đã phát huy tác dụng, chỉ còn giải ngân vốn đầu tư công là chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ.
Điểm nghẽn khó gỡ
Báo cáo của Bộ KH&ĐT về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP cho thấy, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của 8 tháng ước chỉ bằng 38,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước được Quốc hội giao, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước (39%) và bằng 44,3% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Sau gần 1 tháng thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP, chỉ có 11/44 bộ, ngành và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%; vẫn còn 13/44 bộ, ngành và 4/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Bên cạnh đó, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài lũy kế đến ngày 24/8/2017 thấp hơn khoảng 15% so với mức cùng kỳ năm 2016.
Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để thúc tốc độ giải ngân vốn |
Thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng giải ngân chậm, trong đó nguyên nhân chính là do việc áp dụng các quy định mới trong Luật Đầu tư công đã khiến quy trình thủ tục siết chặt, các bộ, ngành, địa phương lúng túng trong quá trình triển khai. Qua 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, Bộ KH&ĐT nhận định, một số quy định tại luật hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, cũng như với các quy định khác tại luật và chưa phù hợp với thực tế… Trong dài hạn, việc sửa đổi các quy định trong luật cũng nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư phù hợp với chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế.
Với các lý do đó, vừa qua Bộ KH&ĐT đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công nhằm sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập nổi cộm của luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự án luật sẽ được trình Chính phủ tại phiên họp tháng 9/2017 để kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) để luật kịp thời đi vào cuộc sống.
Nhận diện và đặt giải pháp
Rất nhiều vấn đề nổi cộm đã được giải quyết trong luật. Đơn cử như việc phân loại dự án nhóm A. Theo quy định thì dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, dự án tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh… đều là dự án nhóm A, không phân biệt tổng mức đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều dự án đầu tư tại những địa bàn này có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, nhưng vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời, các dự án này còn chịu điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác. Do là dự án nhóm A nên phải trình các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành để thẩm định theo quy định của các luật này. Vì phải qua nhiều cửa như vậy, quy trình thủ tục thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án di tích là rất phức tạp, qua nhiều cấp quản lý, mất nhiều thời gian để chuẩn bị và thực hiện. Rất nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có nhiều di sản thế giới, di tích quốc gia như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đã kiến nghị sửa đổi quy định phân loại dự án tại chính địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ bỏ bớt các thủ tục phân loại dự án về di tích. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng mức độ mật của dự án sẽ do cơ quan ban hành chủ trương đầu tư xác định theo quy định của pháp luật. Như vậy sẽ tăng tính chủ động cho cơ quan thực hiện dự án, không nhất thiết phải xin ý kiến đánh giá của tất cả các bộ, ngành như quy định của luật hiện hành.
Một vấn đề gây nhiều vướng mắc khác là các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu điều chuyển kế hoạch giữa các dự án, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong nội bộ của cơ quan chủ quản khá lớn, đặc biệt là vào cuối năm ngân sách. Tuy nhiên khi muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt, đặc biệt là dự án ODA phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc này giảm tính chủ động của các bộ, ngành và địa phương, tăng thủ tục hành chính.
Bộ KH&ĐT đề nghị cho phép sửa đổi quy định theo hướng giao cho cơ quan này điều chỉnh kế hoạch đầu tư hàng năm vốn ngân sách trung ương (bao gồm trái phiếu Chính phủ), vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình trong nội bộ của các bộ, ngành trung ương và địa phương. Đồng thời, giao cho các bộ, ngành và địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư hàng năm vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước), vốn công trái quốc gia và vốn trái phiếu Chính phủ trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, ngành và địa phương, gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính.
Tất cả các vướng mắc này đều đã được tập hợp và đưa ra các giải pháp tháo gỡ trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ KH&ĐT đã chỉ ra các mục tiêu giải quyết vấn đề của luật là rất rộng.
Cụ thể là luật sẽ cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư; đảm bảo quản lý hiệu quả vốn đầu tư công, hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh dự án; đảm bảo quy định thống nhất trong cùng Luật Đầu tư công và giữa Luật Đầu tư công với các luật khác; nâng cao công tác lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công góp phần đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch hàng năm...