Thị trường trái phiếu: Muốn phát triển phải đa dạng hóa
Ông Phạm Thanh Hà |
Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao TPCP ít hấp dẫn các NHTM?
Lâu nay, các NHTM là tổ chức mua TPCP chủ đạo. Nhưng sang năm nay TPCP ít hấp dẫn các NHTM. Nguyên nhân khách quan có thể nói tới đầu tiên là biến động tỷ giá USD/VND tại một số thời điểm trong năm 2015, khiến tâm lý các nhà đầu tư (NĐT) trở nên thận trọng, tập trung mua chủ yếu TPCP các kỳ hạn dưới 5 năm nhằm phòng ngừa rủi ro.
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng VND năm 2015 khá ổn định, theo đúng kế hoạch. Nếu như năm 2014, nguồn vốn VND trên thị trường dư thừa do tín dụng tăng trưởng thấp, buộc các NHTM phải mở rộng quy mô đầu tư TPCP để giải phóng nguồn vốn dư thừa. Năm 2015, các NHTM đã dành nguồn vốn nhiều hơn cho tăng trưởng tín dụng.
Còn về nguyên nhân chủ quan, có thể nói tới tác động khi Nghị quyết 78/2014/QH13 được ban hành. Theo đó, từ năm 2015, TPCP chỉ phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn. Trong bối cảnh lãi suất TPCP chịu nhiều áp lực tăng, các NĐT giảm dần hoặc không gia tăng thêm nhóm kỳ hạn dài.
Ngoài ra, do cơ cấu huy động vốn của các NHTM chủ yếu là ngắn hạn, việc gia tăng tỷ trọng huy động vốn dài hạn chưa được cải thiện, do đó các NHTM chỉ dành một lượng vốn nhất định để đầu tư TPCP kỳ hạn dài.
Thêm nữa, Thông tư 36 giới hạn tỷ lệ đầu tư giấy tờ có giá của các TCTD, trong đó các TCTD nước ngoài - vốn là những tổ chức có khả năng tạo hiệu ứng thanh khoản tích cực cho thị trường TPCP - chỉ được nắm giữ TPCP tối đa 15% tổng nguồn vốn ngắn hạn. Bên cạnh đó, trên thị trường sơ cấp, tại nhiều thời điểm lãi suất phát hành TPCP chưa được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với kỳ vọng và diễn biến của thị trường cũng khiến khối lượng phát hành thành công thấp.
Với Vietcombank, tình hình đầu tư vào TPCP như thế nào?
Trong năm 2015, tín dụng tại Vietcombank có tốc độ tăng trưởng tốt so với năm 2014. Tuy nhiên, NH vẫn dành một lượng vốn nhất định để tái đầu tư TPCP nhằm duy trì quy mô danh mục các giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao. Hiện danh mục đầu tư TPCP tại Vietcombank chiếm khoảng 10% tổng tài sản của NH.
Bộ Tài chính đang trình Quốc hội cho phép đa dạng hoá kỳ hạn phát hành TPCP, phát hành trái phiếu quốc tế. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
Đây là một động thái phù hợp nhằm gia tăng lượng vốn đầu tư phát triển, thông qua việc đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của thị trường trong nước, đồng thời mở rộng kênh huy động vốn ra thị trường quốc tế.
Đối với các NHTM nói chung và với Vietcombank nói riêng, việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP, đặc biệt là kỳ hạn từ 5 năm trở xuống sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh TPCP của NH được chủ động, phù hợp với cơ cấu huy động vốn, giảm thiểu rủi ro chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và sử dụng vốn.
Với cương vị là Phó chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, theo ông nên có giải pháp thế nào để thu hút các NHTM đầu tư vào TPCP nhiều hơn?
Nhằm thu hút các NHTM đầu tư nhiều hơn vào TPCP, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục tăng cường phối hợp một cách đồng bộ, liên tục để đảm bảo tính thanh khoản và đa dạng của thị trường trái phiếu.
Trước mắt có thể tập trung các giải pháp sau: Trên thị trường sơ cấp, ưu tiên tập trung đẩy nhanh dự án các NĐT trái phiếu cấp I (Primary Dealer - PD). Ngoài ra, đẩy mạnh việc minh bạch hóa thông tin thông qua thực hiện cung cấp sớm lịch phát hành, kế hoạch huy động vốn định kỳ hoặc thay đổi đột xuất nhằm giúp cho các NĐT cũng chủ động hơn trong các kế hoạch đầu tư kinh doanh của mình.
Với thị trường thứ cấp, Bộ Tài chính có thể xem xét cân nhắc nên ưu tiên lựa chọn các NĐT trái phiếu cấp I cho thị trường sơ cấp từ hệ thống các nhà tạo lập trên thị trường thứ cấp và coi đây là một trong các điều kiện tiên quyết. Cũng cần lưu tâm tới việc sớm triển khai các nghiệp vụ mới, sản phẩm mới như: trái phiếu kỳ hạn, trái phiếu tương lai (Bond Forward, Bond Future), các sản phẩm phái sinh từ TPCP…
Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh Thông tư 36: Xem xét sử dụng các chỉ số có tính ổn định cao hơn như vốn điều lệ, vốn tự có hoặc tổng nguồn vốn (bao gồm cả nguồn vốn ngắn hạn và trung, dài hạn) trong việc quản lý tỷ lệ đầu tư TPCP. Quy định về tỷ lệ so với nguồn vốn ngắn hạn sẽ gây khó khăn nhất định cho việc kiểm soát danh mục do nguồn vốn ngắn hạn của các NHTM là cấu phần có tính biến động cao, thường xuyên phát sinh các biến động tăng/giảm ngoài dự kiến.
Xin cảm ơn ông!