Thông qua nghị quyết, hóa giải nợ xấu, tạo đà phát triển kinh tế
Gian nan xử lý nợ xấu, áp lực trong vai trò “bà đỡ” | |
Quốc hội thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu và Luật các TCTD sửa đổi | |
Xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách |
Xử lý nợ xấu có thể giảm 1% lãi suất cho vay
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh), nợ xấu đang là điểm nghẽn, cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. Bởi lẽ ở Việt Nam hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng vì dư nợ ước 122% GDP, gấp 2-3 lần các nước ASEAN.
Cũng theo đại biểu Ngân, sau 5 năm triển khai Đề án 843 về xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã trích lập dự phòng và giải quyết khoảng 350.000 tỷ đồng; nợ chuyển cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) 250.000 tỷ đồng và đã xử lý 50.000 tỷ đồng. Ước tính nợ xấu hiện chiếm 2,65% tổng dư nợ, khoảng 150.000 tỷ đồng và nếu cộng với con số tại VAMC 200.000 tỷ đồng thì khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương 6%. Tuy nhiên, nếu tính cả những khoản nợ có thể thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể lên tới 10% như tờ trình của Chính phủ.
Từ việc dẫn giải các số liệu trên, ông Ngân cho rằng, để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và cơ chế pháp lý đủ mạnh nhằm xử lý vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Và nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền.
“Nếu xử lý tốt nợ xấu thì sẽ giải quyết nhiều mục tiêu như: Giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ, lãi vay khoảng 1%”, vị đại biểu này cho biết. Tuy nhiên, điểm khiến đại biểu Ngân lo ngại là tài sản thế chấp cầm cố có còn không bởi vì nếu sau 5 năm không xử lý được thì “nó xấu lắm rồi”.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP. Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ quan điểm, “tài sản sạch” trong xử lý nợ xấu đã được bán nhưng tài sản còn lại giá trị không còn bao nhiêu, thậm chí đã có người khác quản lý. Ví dụ như đất phân lô đã bán hết; tài sản cho thuê… Vì vậy, dự thảo nghị quyết yêu cầu thực hiện trình tự, thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu là khó khăn, khó khả thi nếu tài sản đó còn tranh chấp. Và, khi đã còn tranh chấp thì vẫn phải theo quy trình hiện hành. “Ủng hộ việc ban hành nghị quyết nhưng quy định đưa ra phải khả thi vì nếu không nghị quyết khó mà thực hiện được”, Đại biểu Thúy nói.
Ở góc nhìn của mình, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng, những khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu chủ yếu tập trung ở việc thiếu khung pháp lý; nó liên quan đến rất nhiều luật liên quan. "Chúng ta chưa tạo điều kiện để thị trường mua bán nợ xấu và xử lý tài sản là bất động sản, nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản còn nhiều vướng mắc, bất cập không bảo đảm quyền xử lý tài sản của chủ nợ. Thời gian xử lý nợ và tài sản kéo dài, không hiệu quả. Theo quy định của pháp luật thông thường thường mất khoảng 400 ngày, tuy nhiên qua các vụ việc thì thường kéo dài khoảng 2 năm mới xong, dẫn đến mất thời gian và tốn kém", vị đại biểu này băn khoăn.
Từ những vướng mắc trên, theo ông việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội là cần thiết và càng ban hành sớm thì càng tốt. “Về thời gian thi hành Nghị quyết, tôi đồng tình việc Quốc hội kỳ họp thứ 3 thông qua sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2017 và thời gian áp dụng trong vòng 5 năm", ông Hưởng cho biết.
Tuy nhiên ông đề nghị, cần xem xét việc thực hiện nghị quyết diễn ra trong thời đó sẽ “nằm gối” trong giai đoạn 2 năm đầu tiên của kế hoạch tài chính và giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 thì cần xem xét kỹ lưỡng các quy định liên quan như việc miễn thuế, phí trong quá trình xử lý nợ xấu các TCTD và phải gắn trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức gây ra thực trạng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng”.
Không phải lo ngân hàng lợi dụng nghị quyết
Dù thống nhất quan điểm cần phải ban hành nghị quyết nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị cần phải làm rõ một số điểm, đặc biệt là tính khả thi. Theo đó, Chính phủ cần làm rõ những khoản nợ này ra sao dù VAMC đã có thời gian giải quyết nhưng không thực hiện được. “Hoạt động cho vay của các ngân hàng đã có quy định pháp luật bảo vệ nhưng vì sao họ không thu hồi được tài sản thế chấp dù có hành lang pháp lý tương đối ổn bảo vệ họ. Nếu không làm rõ mà Quốc hội thông qua nghị quyết thì tôi không tin giải quyết được”, Đại biểu Tâm nói.
Bên cạnh đó, phải có sự rà lại vì thực tế có những chủ dự án vay ngân hàng, thế chấp dự án, sau đó lại thế chấp vay ngân hàng khác và tạo sự lòng vòng: nợ không trả, sổ đỏ người dân không làm được. Nếu gỡ vướng mắc hết nhưng tài sản đâu để thu hồi, thậm chí “ôm nợ đó thì nợ xấu phẩy là rất cao”. Cũng theo đại biểu Tâm, bà nghi ngờ thuật ngữ “bán theo giá thị trường” hay “thấp hơn giá ghi sổ” vì như vậy cũng dễ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cục bộ cho một số đối tượng, hợp thức hóa sai phạm. Ví dụ như, một mảnh đất có giá trị vài trăm triệu đồng nhưng khi thế chấp ngân hàng được đẩy giá lên hàng tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng. Nay nếu quy định bán thấp hơn giá ghi sổ thì sẽ hợp thức hóa cho sai sót.
Cũng theo đại biểu Tâm, cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm tổ chức, cá nhân đúng quy định pháp luật để xảy ra nợ xấu, không để lọt tội nhằm tạo niềm tin của dân với Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội cũng phải giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình xử lý nợ xấu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị, phạm vi, đối tượng áp dụng phải quy định rõ, không phải khoản nợ xấu nào cũng áp dụng. Một ngân hàng có thể có cả 100 món nợ xấu nhưng không phải áp dụng hết. Nợ xấu có nhiều nguyên nhân, có nợ xấu hợp pháp như ngân hàng điều tra, xác minh đúng mục đích vay nhưng trong kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ. Song cũng có nợ xấu không hợp pháp như ngân hàng rót tiền cho doanh nghiệp sân sau, thua lỗ lại rót thêm, dòng tiền vào túi này túi kia thì nợ xấu này phải xử lý khác, không thể xử lý giống nhau được. Cũng theo đại biểu Nghĩa, có loại nợ xấu vừa áp dụng biện pháp giải quyết theo nghị quyết vừa áp dụng biện pháp hình sự. Do đó, nghị quyết cần có điều khoản giao Chính phủ, NHNN, các cơ quan tố tụng tiến hành biện pháp song song trong xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra nợ xấu. Hai việc này đòi hỏi sự phối hợp lẫn nhau nhằm thu hồi tài sản tham nhũng để giải quyết nợ xấu.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho rằng, mô hình tăng trưởng của chúng ta phụ thuộc vào vốn, tuy nhiên nếu vốn tắc thì tăng trưởng cũng rất khó khăn. Nếu nợ xấu không được xử lý thì việc hạ lãi suất sẽ rất khó khăn vì chi phí cho nợ xấu rất lớn. Các NHTM đều phải giành chi phí để xử lý. “Nợ xấu luôn có trong ngành Ngân hàng. Nên nếu đặt vấn đề không cho nợ xấu phát sinh ở ngành Ngân hàng là không thể thực hiện được mà nợ xấu luôn phát sinh. Vấn đề là giữ nợ xấu ở tỷ lệ bao nhiêu là an toàn, là tối ưu nhất theo thông lệ quốc tế”.
Vị đại biểu này cũng khẳng định, không thể có chuyện ngành Ngân hàng lợi dụng nghị quyết này để chuyển nợ không xấu sang nợ xấu để hưởng ưu đãi của nghị quyết. Bởi lẽ trong quản lý của NHNN rất chặt chẽ, khi để phát sinh khoản nợ bắt đầu từ nhóm 2 các NHTM đã phải trích lập dự phòng rủi ro. “Ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh cũng phải hướng tới lợi nhuận. Nếu để trích lập thì ngân hàng phải cắt lợi nhuận để trích thì không ngân hàng nào muốn. Nhưng nếu để tỷ lệ nợ quá cao không xử lý được sẽ bị NHNN kiểm soát đặc biệt. Vì vậy không thể có chuyện các ngân hàng lợi dụng nghị quyết này để chuyển nợ sang nợ xấu nhằm hưởng ưu đãi của nghị quyết này…”, ông Hải nói.