Thu giữ tài sản bảo đảm: Đảm bảo không xâm phạm quyền con người
Việc tiếp thu, sửa đổi tiếp thu theo Nghị quyết XLNX là chặt chẽ | |
Việc ban hành Nghị quyết về XLNX bảo đảm tính hợp Hiến | |
Xử lý nợ xấu: Không ai muốn ốm để được uống sữa! |
Đánh giá cao tầm quan trọng của Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, tại phiên họp đầu tuần này, Quốc hội đã tiếp tục dành thời gian để thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết này, nhằm hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi thông qua vào ngày 21/6 tới. Đến nay, nhiều nội dung góp ý của đại biểu Quốc hội về nguyên tắc xử lý nợ xấu, quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), bán đấu giá TSBĐ, thời điểm xác định nợ xấu đã được ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu một cách nghiêm túc…
Quyền thu giữ TSBĐ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên |
Không lo chuyện thu giữ sai quy định
Đề cập đến sự cấp bách phải ban hành văn bản luật này, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng như hầu hết đại biểu khác đều cho rằng, nợ xấu là một vấn đề nhức nhối của nền kinh tế. Chính vì vậy trong điều kiện hiện nay, có căn cứ pháp lý đủ mạnh, như việc phải ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu là cấp bách, nhằm giải phóng các nguồn lực kinh tế đang tồn đọng trong xã hội. Việc xử lý nợ xấu càng nhanh, có cơ chế xử lý TSBĐ hữu hiệu sẽ càng sớm hỗ trợ hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế.
Cùng quan điểm, một số đại biểu khác nêu tính bức thiết phải trao quyền xử lý TSBĐ mạnh mẽ hơn cho các TCTD như một giải pháp hiệu quả trong xử lý nợ xấu mà không lo chuyện lạm quyền. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu giả thiết, khi có sự vi phạm lạm quyền của các TCTD thì có thể giải quyết theo hai cơ chế: nếu là tranh chấp dân sự thì xử lý theo con đường dân sự; còn nếu vi phạm pháp luật về hình sự thì khởi tố, xử lý về tội lạm quyền hoặc xâm phạm chỗ ở, nếu đối với tài sản là nhà, đất.
Theo ông Cầu: Không bao giờ có một TCTD nào mà cán bộ của họ dám xâm phạm, thu giữ sai quy định một cách công khai, trắng trợn tài sản người dân, khi nhà nước bảo đảm quyền sở hữu của công dân. “Nếu cần thì bổ sung thêm quy định trong mọi trường hợp thu giữ tài sản đều được quay camera để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Sau này có nghi ngờ sai phạm thì mở camera ra để xử lý”, ông Cầu nói.
Giải trình thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung theo hướng: Việc thu giữ TSBĐ theo quy định tại Điều này chỉ thực hiện đối với TSBĐ không có tranh chấp, không đang bị kê biên trong vụ án hình sự. Việc xác định phạm vi tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự.
Đối với ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ TSBĐ không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Điều 22 Hiến pháp đã quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.
Không xâm phạm quyền con người
Theo quy định tại Nghị quyết, quyền thu giữ TSBĐ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên. Như vậy, việc TCTD thu giữ TSBĐ là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ TSBĐ (chủ nhà) về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người giữ TSBĐ (chủ nhà) đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký. Do vậy, việc thực hiện các quyền này không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 7 theo hướng minh bạch thông tin việc thu giữ, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Đồng thời, quy định phù hợp hơn về thẩm quyền của UBND cấp xã, cơ quan công an, kéo dài thời gian thông báo để người có tài sản bị thu giữ có thêm thời gian sắp xếp việc chuyển giao TSBĐ và sắp xếp chỗ ở cho những người liên quan nếu thu giữ TSBĐ là nhà ở”, ông Thanh cho biết.
Liên quan đến các ý kiến đề nghị làm rõ quy định về thu giữ TSBĐ để bảo đảm quyền của một số cá nhân, tổ chức khác cùng nhận hoặc những người cùng sở hữu TSBĐ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Dân sự về sở hữu chung của các thành viên gia đình và Điều 213 Bộ luật Dân sự năm 2015 về sở hữu chung của vợ chồng thì việc định đoạt tài sản chung đều phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên.
Do vậy, ngay từ khâu nhận TSBĐ là sở hữu chung thì việc nhận TSBĐ đã phải được sự đồng ý của tất cả đồng sở hữu. Bên bảo đảm (các đồng sở hữu) đã thỏa thuận, đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ TSBĐ nên việc thu giữ TSBĐ là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm quyền của các đồng sở hữu. Trường hợp có tranh chấp, dự thảo Nghị quyết quy định việc giải quyết tranh chấp thực hiện qua Tòa án theo thủ tục rút gọn.
Trường hợp TSBĐ dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ (nhiều người) Điều 296 Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác”.
Do đó, trường hợp TSBĐ cho nhiều nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và các bên nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý TSBĐ, việc thu giữ TSBĐ chỉ áp dụng nếu giao dịch bảo đảm thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được quy định tại Điều 308 Bộ luật Dân sự.