Thương hiệu gạo Việt Nam là công cụ tái cơ cấu ngành lúa gạo phát triển bền vững
Ảnh minh họa |
Cụ thể về quan điểm, Thương hiệu gạo Việt Nam là một công cụ nhằm tái cấu trúc lại ngành lúa gạo Việt Nam về sản phẩm, thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả cho sản phẩm gạo.
Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu phải gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất, ứng dụng khóa học công nghệ về giống, kỹ thuật, chế biến, bảo quản, đóng gói và phân phối, tiếp thị.
Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam là quá trình tạo dựng những giá trị chung của sản phẩm gạo Việt Nam, định vị những giá trị đó trên thị trường, xây dựng và duy trì lòng tin của DN, người tiêu dùng đối với sản phẩm gạo Việt Nam bằng uy tín của DN, sản phẩm và sự đảm bảo của Nhà nước. Định vị sản phẩm gạo Việt Nam phải gắn với những lợi thế quốc gia, vùng, địa phương về chất lượng, giá trị, nguồn gốc, lịch sử, văn hóa truyền thống và những giá trị kinh tế - xã hội khác...
Thương hiệu gạo Việt Nam được xây dựng gồm: nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tạp thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm gạo của vùng, địa phương; nhãn hiệu cho sản phẩm gạo của DN.
Xây dụng thương hiệu gạo Việt Nam tập trung vào 2 nội dung. Thứ nhất là lựa chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm trên các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, EU...
Thứ hai, duy trì và giữ vững sự ổn định tại các thị trường truyền thống với các sản phẩm gạo cấp trung bình (gạo trắng, hạt dài), nâng cao giá trị bằng các kênh phân phối trực tiếp, củng cố và duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như: Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với lịch sử, văn hóa, truyền thống, chất lượng sản phẩm và lợi thế của Việt Nam. Hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu thông qua một chương trình dài hạn, đồng bộ, kết hợp với quảng bá du lịch, ẩm thực, văn hóa nông nghiệp, đất nước và con người Việt Nam.
Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam tại ít nhất 50 quốc gia.
Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương tại những vùng, địa phương có năng lực sản xuất gạo quy mô lớn, có chất lượng phù hợp yêu cầu của thị trường tiêu thụ và được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định.
các DN xây dựng, phát triển thương hiệu DN, sản phẩm gạo được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định.
Tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến năm 2030 xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.