Thương mại điện tử: Thị trường màu mỡ
Thương mại điện tử đạt doanh thu hơn 4 tỷ USD | |
Phát triển TMĐT: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía |
Theo Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) 2015 do Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) công bố, TMĐT đang là một trong số ít ngành có tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước nhất hiện nay.
Tổng doanh thu bán hàng qua hình thức TMĐT tại Việt Nam trong năm 2015 đã tăng tới 37% so với năm 2014, đạt 4,07 tỷ USD. Bộ Công Thương nhận định đến năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm.
Với tốc độ tăng trưởng nóng như vậy, từ nay cho tới năm 2020, đây vẫn sẽ là thị trường màu mỡ cho các DN muốn đầu tư vào kênh mua sắm trực tuyến. Tới năm 2015, mua sắm qua kênh TMĐT mới chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tới năm 2020, con số này dự kiến cũng chỉ nâng lên mức khoảng 5-10%.
Có thể nói DN vẫn còn nhiều cơ hội để tận dụng kênh bán hàng tiềm năng này. Tuy nhiên, có vẻ các DN nước ngoài đang khai thác lợi thế của kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả hơn DN Việt Nam. Điều này thể hiện ở động thái rót vốn mạnh tay vào kênh TMĐT của các DN nước ngoài trong thời gian qua, trong khi DN nội vẫn rất chậm chân.
Ảnh minh họa |
Mới đây, Tập đoàn Alibaba đã đầu tư 1 tỷ USD để trở thành cổ đông chi phối của Lazada Group, chính thức thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Kế hoạch mà Alibaba vạch ra là chi liền tay 500 triệu USD vào vốn chủ sở hữu mới phát hành của Lazada và mua tiếp khoảng 500 triệu USD cổ phần của một số cổ đông Lazada trong 8 tháng tới. Lazada không chỉ là một trong những sàn TMĐT lớn nhất mà còn là nền tảng tiếp thị liên kết cực lớn với hơn 6.000 gian hàng và 400.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau.
Trong khi kênh TMĐT đã có ở Việt Nam được hơn 10 năm, phát triển với tốc độ chậm chạp, thì chỉ sau 3 năm đổ bộ, Lazada đã vượt qua hơn 200 sàn TMĐT khác trong nước để đứng đầu về doanh thu. Các bước đi nhanh chóng này chứng tỏ Alibaba đã nhìn thấy được tiềm năng của thị trường này tại Việt Nam. Tiếp nối là các trang như Sendo, Zalora, Tiki…
Cần lưu ý rằng, cả Lazada và Zalora đều trực thuộc Tập đoàn Rocket Internet của Đức. Do đó với thương vụ Alibaba mua cổ phần chi phối của Lazada càng cho thấy thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam dường như là cuộc trao tay của các DN ngoại. Nhìn rộng ra, việc rót vốn của Rocket Internet cũng không chỉ nhằm tới thị trường Việt Nam. Trong mấy năm vừa qua, gã khổng lồ này đã liên tục rót vốn cho các công ty con của mình và ước tính ở thời điểm hiện tại, Rocket Internet đã kêu gọi được gần 700 triệu USD cho Lazada Group tại 6 nước Đông Nam Á.
Vậy cơ hội nào cho các DN trong nước để tham gia mạnh hơn vào thị trường TMĐT? Với các vấn đề nguồn vốn, công nghệ, quản trị… còn hạn chế, nhiều đơn vị trong nước đã xác định cần liên kết với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó ngoài nguồn vốn, nhà đầu tư ngoại còn cung cấp công nghệ quản lý, hỗ trợ tư vấn về chiến lược phát triển, quản trị nội bộ... Đây thực sự là những vấn đề DN trong nước cần khẩn trương hoàn thiện. Nhiều DN cho rằng nếu không kêu gọi được vốn ngoại đầu tư thì các DN trong nước sẽ khó phát triển trong lĩnh vực TMĐT.
Hiện khoảng 75% thị phần TMĐT đang tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong khi 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%. Các chuyên gia tính toán, trong vòng 3 – 5 năm tới, các thị trường bên ngoài 2 thành phố lớn này cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển TMĐT nếu DN trong nước biết cách khai phá. Với những tính toán đó, doanh số từ TMĐT mang lại cho các DN bán lẻ có thể tăng lên khoảng 5 lần. Và trong tương lai dài hạn, thị trường này có thể lên tới mức doanh số hàng trăm tỷ USD. DN trong nước, do đó vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh với các DN nước ngoài.