Tìm động lực cho cải cách
Động lực tăng trưởng mới | |
Viễn cảnh phục hồi tích cực trong trung hạn | |
Nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng |
Chấp nhận thực tế
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 vừa diễn ra, một trong những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội 9 tháng qua là tăng trưởng kinh tế ước tăng 5,93% (nhờ tăng trưởng GDP quý III tăng tốt so với 2 quý đầu năm và đạt 6,4%), tức đã rất sát mức 6%.
Thế nhưng trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương công bố một ngày sau đó (ngày 5/10) của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này lại dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ chỉ ở mức 6%. Đáng chú ý là các báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam gần đây liên tục “giảm dần đều” dự báo về tăng trưởng. Cụ thể, cuối năm 2015 WB dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6,6% nhưng đến báo cáo cập nhật tháng 4 vừa qua đã hạ xuống 6,2% và nay là 6%.
Tăng trưởng kinh tế cần nhìn về trung hạn và tập trung vào chất lượng |
Trước đó, Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế châu Á (ADOU) 2016 ngày 27/9/2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống mức 6,0% trong năm 2016, giảm mạnh so với mức dự báo 6,7% vào tháng 3/2016. Con số dự báo tăng trưởng 6% năm 2016 cũng được Ngân hàng Standard Chartered đưa ra trong báo cáo nghiên cứu triển vọng kinh tế toàn cầu công bố vào tháng 8 vừa qua.
Ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (do hạn hán, ngập mặn và các hiện tượng thời tiết, môi trường cực đoan khác…) và giá cả hàng hóa toàn cầu thấp được xem là những nguyên nhân chính làm chậm nhịp tăng trưởng kinh tế và cũng là cơ sở để các tổ chức như WB, ADB hay Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.
Trong khi mức tăng trưởng 6% cả năm - mức mà nhiều tổ chức nước ngoài dự báo - đã nằm trong tầm tay, các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, nếu quyết liệt hơn trong từng nhóm giải pháp cụ thể, cùng với đó là sự phối hợp triển khai chính sách tốt hơn của các bộ, ngành và kỳ vọng là chu kỳ kinh doanh thường tích cực hơn vào quý cuối năm thì tăng trưởng GDP cả năm sẽ khả quan hơn, theo đó mức khoảng 6,3% chắc chắn đạt được. Thậm chí một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu dùng “mẹo”, như tăng phần sản lượng của ngành khai khoáng thì còn có thể giúp GDP tăng thêm.
Về phía Chính phủ, nhận định các khó khăn, thách thức và nhiệm vụ cuối năm 2016 còn hết sức nặng nề, nhất là liên quan mục tiêu tăng trưởng GDP song Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành quản lý các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… cần tính toán mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và phấn đấu thực hiện quyết liệt để đạt mức tăng trưởng từ 7,1-7,3% trong quý IV này, qua đó giúp cả năm đạt mức tăng khoảng 6,3-6,5%.
Mọi trông đợi đổ dồn vào cải cách
Tuy nhiên, điều mà các tổ chức nước ngoài quan tâm và thường xuyên có những đề xuất, khuyến nghị không phải ở con số tăng trưởng cụ thể bao nhiêu, mà vấn đề là ở sự ổn định, chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững như thế nào. Thậm chí nếu tăng trưởng chỉ ở mức 6% thì các tổ chức này cũng cho rằng so với khu vực, Việt Nam cũng đã ở tốp dẫn đầu.
Theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của WB, việc theo đuổi sự ổn định, bền vững và chất lượng tăng trưởng quan trọng hơn là chạy theo mục tiêu tăng trưởng bằng các biện pháp không bền vững. Theo đó, kiểm soát thâm hụt ngân sách, duy trì nợ công ổn định và tiếp tục tái cơ cấu DNNN, hệ thống ngân hàng là những công việc hàng đầu cần tập trung.
Đây cũng là vấn đề mà các tổ chức nước ngoài liên tục khuyến nghị Việt Nam. Cụ thể theo ADB, để giảm nhẹ áp lực nợ công, cần củng cố chính sách tài khóa theo hướng tạo thuận lợi cho tăng trưởng, bao gồm chi thường xuyên hợp lý và thắt chặt chi phí tiền lương cho khu vực công.
Trong khi đó Ngân hàng HSBC cho rằng, quyết liệt cải cách trong nước là yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng bền vững. Những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đang làm như mạnh mẽ hơn trong tăng thu, giảm chi ngân sách; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước… cho thấy Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Vấn đề là cần làm một cách quyết liệt hơn nữa.
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành thì cho rằng: Một trong những vấn đề mang cả tính ngắn hạn và trung hạn là nợ công và thâm hụt ngân sách. Đơn cử, để tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6,3% trong năm nay thì thâm hụt ngân sách sẽ khó giữ được ở mức 5%. Do đó quan trọng hơn là cần có cái nhìn trung hạn gắn với việc giảm dần bội chi ngân sách, làm sao đưa được xuống dưới mức 4% đến năm 2020.
Cùng với đó là phải thực sự tăng cường kỷ luật ngân sách bởi điều này muốn làm được sẽ phải gắn với những thay đổi, cải cách mạnh mẽ của khu vực nhà nước, đặc biệt là bộ máy nhà nước, cách thức tương tác với thị trường, huy động nguồn lực, cải cách về thuế, chi tiêu, cải thiện môi trường kinh doanh… “Nếu trong trung hạn, thâm hụt ngân sách và kỷ luật ngân sách không làm được thì lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô sẽ không thể cao được” - ông Thành cảnh báo.