Tìm giải pháp để thị trường BĐS phát triển bền vững
Tham gia hội thảo có hơn 200 đại biểu của các cơ quan chức năng, các hiệp hội, đại diện các DN bất động sản, chuyên gia tài chính ngân hàng…
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung phân tích thị trường, định hướng đầu tư bất động sản bền vững, đồng thời có những đề xuất, khuyến nghị về chính sách… nhằm phát triển bền vững thị trường BĐS ở khu vực trong thời gian đến.
Theo nhiều đại biểu tham gia hội thảo, từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường BĐS miền Trung thực sự rất sôi động, đặc biệt là ở phân khúc sản phẩm đất nền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường BĐS khu vực này đang có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, tại TP. Đà Nẵng địa phương “đầu tàu” ở khu vực, thì thị trường BĐS vẫn có những dấu hiệu khả quan.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, tuy tốc độ phát triển các dự án BĐS ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu chậm lại, thì phần lớn các dự án BĐS tại TP Đà Nẵng vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Trên thực tế, tại Đà Nẵng, hiện có khoảng hơn 50 dự án BĐS đã và đang triển khai. Tổng số căn hộ, nhà ở liền kề, biệt thự khoảng hơn 50.000 căn với nhiều nhà đầu tư lớn như Vinacapital, Alphanam Luxury, SunGroup, Trung Nam, Hoà Bình, An Thịnh, Vingroup… Thị trường BĐS TP. Đà Nẵng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng và triển vọng của thị trường Đà Nẵng.
Nét đáng chú ý trong phần thảo luận tại hội thảo lần này là các ý kiến đã đề cập thẳng thắn đến vai trò đồng thuận của xã hội đối với sự phát triển của thị trường và các DN trong lĩnh vực BĐS, như tham luận của ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội các nhà quản trị DN Việt Nam: “Bất động sản muốn phát triển bền vững yêu cầu đầu tiên là phải bền vững trong lòng nhân dân. Hãy làm cho sự thành công, thắng lợi của nhà đầu tư BĐS cũng phải là thành công, thắng lợi của người dân đất có đất bị thu hồi do giải tỏa thưc hiện dự án”.
Đề cập đến vấn đề “sốt bong bóng” BĐS được nêu lên và lĩnh vực môi giới cũng có một phần trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã khẳng định, sàn giao dịch và môi giới BĐS ra đời là đáp ứng nhu cầu kết nối cung, cầu của thị trường.
Tuy nhiên, “Nếu người làm môi giới và sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm… thì tất yếu sẽ làm xuất hiện thị trường ảo. Từ đó tạo nguy cơ bong bóng BĐS và gây rủi ro cho các nhà phân phối BĐS, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và rộng hơn là cả nền kinh tế”, ông Đính cho biết thêm.