Tìm kiếm cơ hội kinh tế từ rừng
Còn nhiều khoảng trống và thách thức trong khai thác kinh tế từ rừng tự nhiên | |
Để phát triển bền vững, ngành gỗ cần sự liên kết | |
Sai phạm và lãng phí đất trồng rừng |
TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững (Hội khoa học Lâm nghiệp) lâu nay luôn trăn trở một vấn đề: Với một nửa diện tích đất nước là rừng, nhưng ngành lâm nghiệp mới đóng góp 1% GDP. “Đây là một điều đáng phải suy nghĩ và điều cần bàn đó là tính kinh tế gắn với rừng”, ông nói.
Trên thực tế, việc gắn hiệu quả kinh tế với phát triển rừng đã có nhiều bài học thành công đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Bá Nhung, cố vấn cấp cao của Công ty Sapanapro chia sẻ: Nếu ai đã đến Tả Phìn sẽ thấy ngay sự khác nhau rất lớn giữa cuộc sống còn quá khó khăn của dân bản người Mông và cuộc sống dư dả của dân bản người Dao Đỏ. Người Mông ở Tả Phìn thì bạt rừng, phát nương trồng ngô sắn… Còn người Dao Đỏ với sự hướng dẫn của Sapanapro đã biết khai thác bài thuốc lá tắm cổ truyền, trồng cây thuốc lấy lá xen với rừng và đã biết thương mại hóa bài thuốc cổ truyền này.
“Vậy là họ vẫn giữ được rừng và hàng ngày vẫn có thu nhập”, ông Nhung mừng vì điều này, sự thay đổi sau hơn 20 năm ông lang thang cùng bà con dân tộc với mong muốn xử lý được xung đột lợi ích giữa giữ rừng, bảo vệ rừng và bài toán sinh kế thường ngày của chủ rừng.
Ảnh minh họa |
Tả Phìn là xã vùng xâu vùng xa của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi đây 95% là bà con dân tộc thiểu số và hơn 40% số hộ nơi đây là hộ nghèo, đói. Độ che phủ rừng chỉ còn 35%. Tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt. Sapanapro đã phát hiện ra tiềm năng thương mại của bài thuốc lá tắm của người Dao Đỏ. DN này đã thành lập công ty cổ phần, bà con Dao Đỏ ở Tả Phìn là cổ đông góp vốn bằng đất rừng được giao và công trồng, chăm, nhân rộng diện tích cây thuốc… Lợi nhuận thu được không chỉ chia cho cổ đông mà còn dành một phần hỗ trợ hộ nghèo.
Tuy nhiên, những mô hình thành công như Sapanapro chưa nhiều, cách làm thành công như vậy cũng chưa được nhân rộng. Lý do là hiện còn tồn tại muôn vàn thách thức, cản trở nỗ lực kết nối bảo vệ rừng với phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng.
Giám đốc Công ty CTCP VietRap - một DN khai thác tinh dầu, cung ứng nông sản thảo dược cho các nhà máy chế biến xuất khẩu - chia sẻ, trở ngại chính là tập quán khai thác tận diệt của bà con làm mất nguồn nguyên liệu tự nhiên. Phần lớn người dân nghèo không có cơ hội giữ rừng dài lâu, họ chỉ mong có ngay thu nhập để cải thiện đời sống bằng cách khai thác rừng, đốt rẫy làm nương…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương bổ sung, việc xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình kinh doanh bền vững và tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế trong phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên còn thiếu hệ thống, kém hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.
Còn các chuyên gia của Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (UN-REDD) chỉ ra rằng: Hiện còn nhiều khoảng trống và thách thức trong khai thác kinh tế từ rừng tự nhiên. Đó là, thiếu một thông điệp truyền thông nhất quán về các cơ hội kinh tế từ rừng tự nhiên. Trong khi đó, việc thiếu môi trường thuận lợi để đầu tư vào quản lý bền vững rừng tự nhiên… lý giải vì sao tỷ lệ mất rừng tự nhiên lên đến 20% trong 20 năm qua.
Khuyến nghị giải pháp, UN-REDD cho rằng Chính phủ và Tổng cục Lâm nghiệp cần có các chính sách phù hợp, cải thiện cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào các mô hình kinh tế dựa vào rừng tự nhiên. Xem xét, xây dựng các cơ chế thế chấp, đảm bảo phù hợp với mô hình quản lý đất rừng tự nhiên hiện có để giúp nông dân, cộng đồng, DN tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển rừng tự nhiên. Đưa các dự án, mô hình kinh tế dựa vào rừng tự nhiên vào nhóm đối tượng tín dụng ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, cần có cơ chế thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế dựa vào rừng tự nhiên đối với một số mô hình kinh doanh phù hợp.
Ngành lâm nghiệp cũng nên tổng kết các sáng kiến địa phương về các quy trình, tiêu chuẩn đã được thử nghiệm thành công để xây dựng các tiêu chuẩn, hình thức tiến tới thể chế hóa các quy trình tiêu chuẩn…
UN-REDD cho rằng Chính phủ và Tổng cục Lâm nghiệp cần có các chính sách phù hợp, cải thiện cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào các mô hình kinh tế dựa vào rừng tự nhiên. |