Tìm lực hút PPP: Không chỉ cần hành lang pháp lý
Việc ban hành Nghị định 15/2015/ NĐ-CP (ngày 14/2/2015) quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được xem là tháo gỡ cơ bản những vướng mắc khi thực hiện dự án PPP ở Việt Nam. Tuy nhiên để có thể tạo được lực hấp dẫn với nhà đầu tư (NĐT) đặc biệt là NĐT nước ngoài, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chuyên nghiệp trong cách xây dựng dự án kêu gọi đầu tư...
Ảnh minh họa |
8.000 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng là con số mà APEC cần đến trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng. Đây cũng được coi là yếu tố có ý nghĩa sống còn trong phát triển kinh tế thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, “cơ sở hạ tầng mang ý nghĩa sống còn cho sự phát triển kinh tế, thương mại, tăng trưởng GDP và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nền kinh tế”. Đây cũng là lý do, từ việc lần đầu tiên kêu gọi đầu tư hạ tầng từ năm 1993, đến giai đoạn 2008 – 2013, các nước trong khu vực luôn nhấn mạnh đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng đề cao hợp tác công tư.
Trong dòng chảy đầu tư đó, đáng nói là đang có sự dịch chuyển về đối tác trong các dự án PPP. Mỹ và Singapore hiện không phải là quốc gia đứng đầu bảng cam kết đầu tư PPP, mà đó chính là Úc với 13.000 triệu USD, 20 ngân hàng tài trợ cho APEC, trong đó vị trí dẫn đầu thuộc về Bank of Mishubishi cùng với 3 NH Nhật Bản. Điều này cho thấy xu hướng rút lui của các ngân hàng châu Âu với hình thức đầu tư PPP này.
Cuộc chạy đua thu hút đầu tư PPP đang nghiêng về châu Âu với các dự án luôn hấp dẫn hơn ở châu Á. Châu Á-Thái Bình Dương chỉ chiếm 7% tổng đầu tư của trái phiếu cho các dự án toàn cầu và Việt Nam chỉ chiếm 0,57% tổng đầu tư cho PPP khu vực APEC. Điều đó cho thấy, nếu Việt Nam không có những chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư các dự án PPP, Việt Nam sẽ ngày tụt hậu với chính các nước trong khu vực.
Theo ông Peter J.Morgan - tư vấn cao cấp của Viện Phát triển ADB thì các dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai không thể trông chờ vào dòng vốn từ NH nước ngoài. Bởi, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, dòng vốn đầu tư PPP giảm từ các NĐT châu Âu.
Bên cạnh đó, khoản vay vốn NH cho đầu tư cơ sở hạ tầng chưa thể khôi phục như năm 2007 do các NH thận trọng hơn rất nhiều đối với các dự án cho vay dài hạn. Khoản vay từ các định chế tài chính khác dù có tăng trong thời gian qua nhưng chỉ chiếm 10% nguồn vốn, đủ đảm bảo bù đắp khoản vay NH giảm. Khi các dòng vốn NH chảy ít hơn và chu kỳ ngắn hơn, nó chỉ bù đắp được giai đoạn đầu dự án.
Đây là lý do các chuyên gia khuyên Việt Nam cũng như các nước trong APEC cần thu hút nguồn đầu tư của tư nhân từ các định chế tài chính, phát hành trái phiếu quốc tế, đặc biệt là thu hút các NĐT tư nhân. Ngoài ra, để có thể cạnh tranh được cùng các nước APEC, giữa các nước khu vực châu Âu và châu Á trong khối, Việt Nam cần có những lực hấp dẫn từ việc xây dựng dự án.
Muốn làm được điều này, thì việc tạo dựng niềm tin và tính an toàn cho các NĐT phải được đặt lên hàng đầu. Chuyên gia đến từ Malaysia, ông Shuhei Sugie cho biết, yếu tố đảm bảo cho một dự án PPP thành công là nguồn quỹ, giấy phép, đất, tiêu chuẩn môi trường và không có sự phản đối của người dân địa phương. Nhưng để có lực hấp dẫn các NĐT tư nhân thì dự án được xây dựng phải có tầm nhìn trung và dài hạn. Nói cách khác, là tính khả thi và vòng đời của dự án phải đủ dài để NĐT có thể khai thác vận hành thu hồi vốn cũng như thực hiện kỳ vọng lợi nhuận.
“Làm sao để dự án cơ sở hạ tầng an toàn và chất lượng là vấn đề có tầm quan trọng lớn. Trong đó, chi phí vòng đời thể hiện tầm nhìn trung và dài hạn của dự án, ví như lựa chọn công nghệ, vấn đề môi trường… đến giai đoạn đấu thầu, sức hấp dẫn của dự án cần tính đến chi phí hỏng hóc, chi phí nguyên liệu rồi đến những rủi ro đòi hoãn dự án của chính quyền, người dân khi thi công” - ông Shuhei nói.
Liên quan vấn đề này, ông Perter J Morgan bổ sung: “Nói đến chất lượng cơ sở hạ tầng thì rõ ràng NĐT phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên năng lực của Chính phủ cũng rất quan trọng trong quản lý dự án bởi một dự án chỉ có thể thu hút NĐT tư nhân khi cân đối được lợi ích và rủi ro giữa DN và Chính phủ”.
Thực tế, việc chuyển giao vận hành các dự án cơ sở hạ tầng cho tư nhân có thể dựa trên hai trụ cột hiệu quả và năng suất, điều này cũng giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ. Tuy nhiên kèm theo đó, Chính phủ cần tháo gỡ cho các NĐT những rủi ro trong quá trình vận hành, ví như quyền sở hữu trong thời hạn hợp đồng, quyền miễn trừ các rủi ro trong khi khu vực công áp quyền của mình. Và để có thể thu hút được nguồn vốn trái phiếu quốc tế, nhiều nước đã miễn thuế; hoặc miễn lãi suất thông qua trái phiếu, tạo nên thành công cho dự án PPP.