Trái phiếu doanh nghiệp sẽ chưa nóng
Ngân hàng Shinhan Việt Nam được mua, bán trái phiếu DN | |
Phát huy tiềm năng thị trường TPDN | |
Cơ hội gọi vốn từ trái phiếu DN |
Theo thống kê sơ bộ, kể từ khi Chính phủ áp dụng Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu DN (TPDN), đến tháng 5/2016 đã có 347 đợt đăng ký phát hành TPDN ở thị trường trong nước, với tổng khối lượng đăng ký phát hành khoảng 276.800 tỷ đồng. Xét về cơ cấu nhà đầu tư có khoảng 98% dư nợ TPDN là do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ, riêng các NHTM đã nắm giữ khoảng 75,5% trên tổng số dư nợ.
Mặc dù Nghị định 90 đã mở ra hành lang pháp lý khá đầy đủ, tuy nhiên thực tiễn hoạt động của thị trường TPDN tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 5,25% GDP. Điều này đồng nghĩa với việc huy động vốn bằng con đường phát hành TPDN vẫn chưa phải là kênh vốn quan trọng đối với DN mà chủ yếu nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Còn quá nhiều điều kiện ràng buộc các DN phát hành trái phiếu |
Yêu cầu quá chặt chẽ
Xem xét một cách chi tiết có thể thấy, sở dĩ thị trường TPDN khó phát triển mạnh là vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan đến từ thủ tục pháp lý là một trong những nút thắt quan trọng.
LS. Phan Quang Chung (Công ty Luật Danh Chính) cho biết, theo các quy định hiện hành, để phát hành trái phiếu trong nước các DN phải đáp ứng điều kiện: có kết quả kinh doanh của năm liền kề có lãi (theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán độc lập và phải được nêu ý kiến chấp nhận toàn phần). Nếu muốn phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu đi kèm chứng quyền thì ngoài các điều kiện trên DN còn phải đáp ứng được các điều kiện như: là CTCP; đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong các DN Việt Nam phù hợp và các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sau 6 tháng.
Những quy định trên, theo ông Chung là quá chặt chẽ đối với các DN phát hành trái phiếu có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, bởi các DN này đang trong quá trình tái cơ cấu tài chính và khó đạt được kết quả kinh doanh có lãi như yêu cầu đặt ra. Trong khi đó, hiện nay hầu hết nhà đầu tư nắm giữ TPDN là các NHTM. Điều này chứng tỏ số lượng các DN có nhu cầu phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ là rất lớn.
Bỏ điều kiện bắt buộc có lãi
Trước những vướng mắc trên, trong tờ trình về việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 90/2011, Bộ Tài chính cho rằng, quy định bắt buộc kinh doanh có lãi đối với DN phát hành trái phiếu là chưa phù hợp. Đồng thời việc bắt buộc DN có báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần cũng tạo ra áp lực cho DN báo cáo tài chính không minh bạch.
Do vậy, nghị định mới sẽ phải sửa theo hướng tạo điều kiện cho các DN chưa có lãi được phát hành trái phiếu để cơ cấu nợ ở thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, khi tạo điều kiện cho các DN phát hành trái phiếu để cơ cấu nợ thì nghị định cũng sẽ phải yêu cầu khắt khe và chặt chẽ hơn về công bố, công khai thông tin trước và sau khi phát hành trái phiếu để bảo vệ nhà đầu tư.
Để gỡ bớt phiền hà về thủ tục, các quy định liên quan đến đăng ký phát hành trái phiếu cũng sẽ không bắt buộc DN phải đăng ký phát hành theo năm tài chính mà chỉ cần nêu rõ phương án, thời gian, số lượng đợt phát hành là có thể chủ động tự lựa chọn thời điểm phát hành căn cứ vào diễn biến thị trường.
Xu hướng phân bổ sẽ đều hơn
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc ban hành nghị định mới sẽ khiến thị trường TPDN sôi động hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngay trong năm 2017, thị trường này sẽ chưa có nhiều đột phá.
Các thống kê gần đây cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay các nhóm ngành hàng tham gia mạnh nhất vào thị trường TPDN là: ngân hàng, BĐS và chứng khoán với tỷ trọng lần lượt là 34,5%; 21,2% và 4,6%. Tuy nhiên, hiện nay NHNN đã đẩy lùi việc thực hiện thí điểm Thông tư 41/2016, áp dụng cùng lúc chuẩn Basel II vào năm 2020 thay vì áp dụng thí điểm tại 10 ngân hàng vào tháng 9/2017. Do vậy áp lực phát hành trái phiếu sẽ không còn quá lớn đối với một số NHTM. Trong khi đó, đối với các công ty chứng khoán, mặc dù năm nay nhu cầu huy động vốn vẫn khá lớn nhưng theo quy luật kỳ hạn 2 năm, lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2017 của các DN nhóm này không lớn vì hầu hết đã đáo hạn trong năm ngoái.
Ở phía các công ty BĐS, trong năm 2016, tổng lượng TPDN phát hành có sự tăng trưởng mạnh, đạt mức xấp xỉ 27.400 tỷ đồng. Chẳng hạn, riêng lượng trái phiếu của Tập đoàn Vingroup đã lên tới 13.000 tỷ đồng; Tập đoàn Masan khoảng 3.000 tỷ đồng; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khoảng 1.700 tỷ đồng… Mặc dù vậy, VCBS vẫn cho rằng xu hướng phân bổ đều hơn đã bắt đầu thể hiện. Bởi thị trường đã có sự tham gia của nhóm các DN khác. Tỷ trọng dư nợ trái phiếu hiện hành của các “đại gia” như Vingroup, Masan, Hoàng Anh Gia Lai đã giảm từ mức 43% (năm 2015) xuống còn 26% (năm 2016), dành khoảng 74% thị phần cho các công ty bất động sản khác. Nếu các tháng cuối năm 2017, nhóm các DN có vốn hóa lớn mới niêm yết cuối năm 2016 tham gia vào việc phát hành trái phiếu thì thị trường sẽ có thêm các nhân tố mới, khi đó hiệu ứng từ các quy định pháp lý nới lỏng của nghị định thay thế Nghị định 90/2011 mới thực sự đi vào thực tiễn.