Ưu đãi thuế nhiều tạo vùng trũng cho DN né thuế
Đặc khu kinh tế: Cần kiểm soát quyền lực và chính sách phù hợp | |
Siết chặt giao dịch, chuyển nhượng đất trái phép tại các 'Đặc khu' | |
Mềm hóa chính sách tiền tệ ở đặc khu |
Tổ chức Oxfam vừa đề xuất với Quốc hội, Chính phủ một số khuyến nghị về các chính sách ưu đãi thuế của dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) nhằm giúp hoàn thiện tốt hơn các điều khoản liên quan đến ưu đãi thuế, hướng tới một chính sách công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước từ các ưu đãi không cần thiết và tránh thất thu ngân sách từ việc DN né thuế thông qua chuyển giá và chuyển lợi nhuận.
Thảo luận chính sách số 8 của Oxfam về chính sách thuế tại đặc khu |
Oxfam cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo là không cần thiết vì các lĩnh vực ưu đãi không có gì mới so với những lĩnh vực Chính phủ đã ưu đãi ở các luật khác. Các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo có thể dẫn đến thất thu ngân sách vì tạo ra một vùng trũng về thuế ngay trong chính Việt Nam mà mặt trái của ưu đãi này sẽ là “thúc đẩy” DN chuyển giá trong nước lẫn quốc tế.
Cụ thể, theo Oxfam, lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế trong dự thảo luật không mới. Các ngành công nghiệp nằm trong đề xuất ưu tiên của các đặc khu gần như trùng lặp với các ngành ưu tiên của các Khu công nghệ cao và các Khu kinh tế khác đã triển khai ở Việt Nam. Do đó, các ưu đãi thuế của Luật Đặc khu này sẽ làm nảy sinh nguy cơ tạo ra một vùng trũng tại các đặc khu và chỉ thu hút được chính các nhà đầu tư tiềm năng hiện có, chứ không thu hút những nhà đầu tư mới hoàn toàn. Những DN đã và đang xem xét đầu tư vào các vùng khác của Việt Nam sẽ chuyển đầu tư vào đặc khu thay vì đầu tư vào vùng khác...
Bên cạnh đó, đối tượng mới được hưởng ưu đãi thuế trong dự thảo là lĩnh vực nghiên cứu phát triển, các DN khởi nghiệp và các trung tâm nghiên cứu sáng tạo có đặc thù là kết quả kinh doanh không ổn định. Chính vì vậy, việc được miễn thuế trong ngắn hạn có thể cũng không mang lại nhiều lợi ích cho nhóm nhà đầu tư này.
Hơn nữa, ưu đãi cao hơn về thuế trong đặc khu sẽ đặt các DN bên ngoài đặc khu thêm phần bất lợi, lâu dài sẽ làm thiệt hại tới tổng thể nền kinh tế Việt Nam.
Ông Henrique Alencer – Chuyên gia về thuế của Oxfam Novib cho rằng, ưu đãi thuế trong dự thảo Luật Đặc khu kéo dài 20-30 năm như vậy sẽ làm ngân sách thất thu nhiều hơn dự tính ban đầu của người làm chính sách. Và ưu đãi như thế sẽ là cơ hội cho hiện tượng chuyển giá giữa DN trong đặc khu và ngoài đặc khu nhiều hơn.
Đáng chú ý, các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo Luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia không còn sử dụng nữa. “Dự thảo Luật Đặc khu cần được xem xét lại cẩn trọng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ hết ưu đãi thuế thu nhập DN, thay vào đó họ chuyển sang ưu đãi bằng sự thông thoáng trong tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường. Ưu đãi như trong Luật Đặc khu hiện nay là sơ suất, nếu được thông qua như dự thảo thì là sai lầm”, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính phát biểu.
Một vấn đề cũng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn là các ngành mới được hưởng ưu đãi thuế trong dự thảo là bất động sản, nghỉ dưỡng, du lịch, sòng bạc đặt ra nhiều câu hỏi về mục tiêu chính sách. Bởi chưa có ưu đãi mà các ngành này đã thu hút đầu tư mạnh mẽ và rất nhiều các khu du lịch, khách sạn, resort đã được đầu tư ở Phú Quốc, Vân Đồn, Quảng Ninh.
Vì lẽ đó, theo bà Phạm Chi Lan – Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ưu đãi cho những ngành này là ưu đãi thừa. Trong khi đó, “Việt Nam cần nhất là công nghệ cao thì chưa thu hút được. Để có công nghệ cao thì cần đầu tư cho công nghệ, khoa học, giáo dục và y tế”.
TS.Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, nhà đầu tư không cần sự dễ dãi mà họ muốn có sự bình đẳng, công bằng, thuận lợi. Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, 3 yếu tố quan trọng nhất được công ty lựa chọn không phải ưu đãi thuế mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội. Một báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy, 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khi được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết.