Vì an ninh trật tự và an toàn hệ thống, xã hội
Sửa đổi bổ sung Luật các TCTD là cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách | |
Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD | |
An toàn hệ thống phải đặt lên trên hết |
Trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) tuần qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, khá nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới các giải pháp khi tái cơ cấu, xử lý các TCTD yếu kém là làm sao để có thể đảm bảo được an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội, cũng như quyền lợi người dân gửi tiền tại NH.
Nhiều đại biểu nêu quan điểm cần khôi phục lại Điều 152c về Biện pháp hỗ trợ đối với phương án phá sản TCTD như dự thảo luật đã trình ở kỳ họp kỳ trước là: “Trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ quyết định việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân, mức chi trả tiền gửi vượt hạn mức đối với một người gửi tiền, việc cho vay đặc biệt của NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả theo quy định và cơ chế xử lý từ ngân sách nhà nước đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được”.
Mỗi đại biểu có cách tiếp cận vấn đề về Điều 152c nêu nhưng tựu trung lại đều trên cơ sở vì mục tiêu an toàn và đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, rộng hơn nữa là tới trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng: phương án chi trả quyền lợi cá nhân có thể sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước khi hỗ trợ phương án phá sản của TCTD gồm chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân. Ông Nhường cho rằng, việc này là cần thiết để không làm đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống TCTD, an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo nguyên tắc là phải đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền khi thực hiện phá sản TCTD mà Bộ Chính trị đã yêu cầu.
Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), nếu áp dụng biện pháp phá sản mà chi trả tiền gửi theo hạn mức là 75 triệu đồng/người có thể tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền cá nhân rút ồ ạt tại nhiều TCTD khác nhau. Từ đó có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền cho các TCTD, ảnh hưởng sự an toàn của hệ thống. Thậm chí người gửi tiền có thể tụ tập khiếu nại đông người gây mất trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, theo ông Hòa, luật sửa đổi, bổ sung lần này cần có quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Cần quy định sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ TCTD như cho vay lãi suất đặc biệt để chi trả số tiền vượt hạn mức bảo hiểm chi trả cho cá nhân gửi tiền.
“Đây là biện pháp hỗ trợ quan trọng và cần thiết khi thực hiện phá sản để không làm đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống TCTD, không làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và giữ vững uy tín của toàn hệ thống tín dụng”, đại biểu của đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.
Một thành viên Ban soạn thảo dự thảo luật này chia sẻ, đưa nội dung chi trả số tiền vượt hạn mức bảo hiểm cho người gửi tiền có cơ sở và quy định này là rất cần thiết. Thứ nhất, dự thảo luật có quy định biện pháp này là nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp chi trả vượt hạn mức khi cần thiết. Tuy nhiên việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp này sẽ tùy thuộc vào tình hình ngân sách theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể. Hay nói cách khác, quy định nêu trên của dự thảo luật chỉ là một trong những biện pháp Chính phủ cân nhắc, xem xét quyết định trong từng trường hợp cụ thể, không phải mọi trường hợp đều chi trả vượt hạn mức. Thứ hai, mức chi trả vượt mức được tính toán, quyết định trong từng thời kỳ, không phải là chi trả toàn bộ trong mọi trường hợp.
Ở góc độ lãnh đạo một NHTM lớn cũng cho rằng, vấn đề chi trả tiền vượt hạn mức bảo hiểm cho người gửi tiền có tác động lớn trong xã hội. Cho dù không phải mọi trường hợp đều được chi trả vượt hạn mức song ý nghĩa quan trọng hơn của biện pháp hỗ trợ này là nếu phải thực hiện phá sản TCTD sẽ không làm ảnh hưởng, gây nguy cơ đổ vỡ và mất an toàn hệ thống.