Việt Nam - AEC cộng hưởng sức mạnh
AEC và hiệu ứng đầu tư | |
Thách thức AEC | |
Cùng doanh nghiệp hội nhập AEC |
Năm 2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của ASEAN, dù mới thành lập hơn 1 năm song Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường đầu tư, tăng cường cơ hội để các DN có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường Đông Nam Á.
Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, tại toạ đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 19/7, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá sự phát triển của AEC đã mang đậm dấu ấn của Việt Nam.
Dấu ấn Việt Nam
Tổng Thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh khẳng định ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ… Môi trường kinh doanh đầu tư ở khu vực cũng được cải thiện thông qua sáng kiến trong các lĩnh vực sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, FTA với các đối tác thương mại chính.
Hạ tầng là vấn đề cần cải thiện để tăng cường kết nối trong AEC |
Trong đó, Việt Nam có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với việc tham gia vào TPP, đàm phán RCEP, ký kết FTA với EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Ở chiều ngược lại, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng nâng cao nhờ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, đồng thời đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN cũng mạnh mẽ hơn.
Ông Vũ Quang Minh, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao khẳngđịnh sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế khu vực với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Theo ông, hơn bao giờ hết, DN cần hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC thành lập. Tuy nhiên các khảo sát thực tế cho thấy mặc dù đa số DN có sự quan tâm và tìm hiểu về AEC, nhưng chỉ có khoảng 16% DN thực sự hiểu về AEC.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh sự ra đời và phát triển trong gần 2 năm qua của AEC đã mang những dấu ấn của Việt Nam. ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các DN Việt Nam.
Tuy nhiên, yêu cầu phát triển trong tương lai đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác, thúc đẩy hội nhập kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối từ hạ tầng đến người dân... Để thực hiện được các công việc này, GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nhận định, ASEAN đang nỗ lực triển khai một thị trường chung và một khu vực nền tảng sản xuất chung, qua đó mang lại cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên và cư dân của ASEAN.
Về phía cộng đồng DN, theo các chuyên gia DN chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự đặt chân vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó và phải là người chơi có đủ năng lực. Hơn lúc nào hết, cộng đồng DN không chỉ còn là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các DN.
Hoá giải áp lực
Đánh giá về các thách thức của Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI nhận định, so với các quốc gia Đông Nam Á có nền kinh tế với quy mô tương tự thì tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn tương đối thấp. Vì vậy VCCI đặt ra 3 mục tiêu hỗ trợ DN là thúc đẩy liên kết xuôi hay thúc đẩy xuất khẩu; thúc đẩy liên kết ngược bằng cách tăng cường liên kết DN trong nước với khối FDI; và xúc tiến phát triển DN đầu tư ra nước ngoài, trọng tâm là các quốc gia ASEAN.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, để tiếp tục tiến trình phát triển, AEC cần có 4 yếu tố đủ. Về yếu tố thị trường đủ lớn và hấp dẫn, theo ông Thành, ASEAN có 625 triệu dân, dân số trẻ với tầng lớp trung lưu tăng rất nhanh; trong khi đây cũng là khu vực kết nối tốt nhất với các nhà đầu tư tốt nhất và các thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Về yếu tố thuận lợi, sự hấp dẫn đến từ yếu tố thuế quan giảm nhanh, kết cấu hạ tầng cải thiện; song trở ngại lại nằm ở chỗ kết nối hạ tầng còn rất ngổn ngang. Theo kế hoạch, đến năm 2015 ASEAN phải hoàn thành 115 dự án kết cấu hạ tầng nhưng tới nay mới hoàn thành 31% kế hoạch.
Yếu tố thứ 3, theo ông Thành là sáng tạo, gắn với các vấn đề như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ… Việt Nam rất quan tâm nhưng thực thi còn rất hạn chế. Cuối cùng là yếu tố hỗ trợ chính trị, ASEAN có ý chí chính trị rất mạnh, có hiến chương, có mục tiêu đẩy mạnh tự do hoá hợp tác, lấy con người làm trung tâm.
Đối với DN Việt Nam, TS. Võ Trí Thành nhận định để tham gia mạnh mẽ vào AEC, cộng đồng DN cần có khát vọng, bản lĩnh và chuyên nghiệp, kết nối và chia sẻ, khôn ngoan xoay xở trước một thế giới đầy biến động.