Vững tin vào kinh tế Việt Nam
Các tổ chức nước ngoài đánh giá cao thành công của kinh tế Việt Nam | |
HSBC: Kinh tế Việt Nam hứa hẹn dù còn nhiều khó khăn | |
Kinh tế Việt Nam: Tìm lối đi cho mình |
Kinh tế thế giới vừa trải qua một năm biến động với nhiều bất định, trong khi kinh tế Việt Nam năm 2017 vẫn nhận được những dự báo tích cực. Tuy nhiên, những thách thức xuất phát cả từ trong và ngoài nước đang đặt ra.
Thời báo Ngân hàng giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của lãnh đạo các định chế tài chính nước ngoài xung quanh vấn đề trên.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam:
Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức
Ông Eric Sidgwick |
Chúng tôi kỳ vọng, tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,3% trong năm 2017 nhờ sự phục hồi của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong khi các ngành khác như xây dựng và sản xuất chế tạo tiếp tục giữ được đà tăng trưởng. Tuy tăng trưởng kinh tế có chững lại trong năm 2016 nhưng vấn đề quan trọng hơn là kinh tế vĩ mô (KTVM) vẫn được duy trì ổn định và xu hướng chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng kinh tế trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam vừa qua, các đối tác phát triển cũng đã ghi nhận thành công của Chính phủ trong việc giữ ổn định KTVM trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức. Đây chính là điều kiện cần thiết để Việt Nam có thể đẩy mạnh tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế theo Kế hoạch TCC giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, để tiến đến mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên năng suất.
Năm 2017, với xu hướng giá hàng hóa nhiên liệu toàn cầu cao hơn và tăng trưởng kinh tế trong nước được củng cố sẽ khiến lạm phát dự báo ở mức 4,5%. Triển vọng tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại trong năm 2017 cũng được kỳ vọng khả quan. Do đó dự báo Việt Nam tiếp tục là một điểm hút vốn FDI ở mức cao. Bên cạnh đó, sự phục hồi trong sản xuất nông nghiệp và sự gia tăng kỳ vọng trong giá cả một số mặt hàng tại các thị trường mới sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn. Dựa trên các kết quả khả quan trong năm 2016, cán cân vãng lai được dự báo sẽ tăng mức thặng dư tương đương 4% GDP trong năm 2017.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã điều hành có hiệu quả chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng và đảm bảo ổn định KTVM. Những thành công trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt, kiềm chế lạm phát và ổn định lãi suất, đảm bảo nguồn cung tiền, tăng dự trữ ngoại hối là rất đáng ghi nhận. Trong năm 2017, chính sách tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó cần có những biện pháp giám sát an toàn vĩ mô theo trọng điểm, gắn tăng trưởng tín dụng với chất lượng khoản vay.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, việc tăng cường quản lý rủi ro và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong hoạt động NH có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đồng thời đảm bảo hoạt động an toàn và ổn định của hệ thống NH. Chúng tôi rất hoan nghênh những nỗ lực của NHNN trong việc chuyển từ thanh tra tập trung vào đánh giá tuân thủ pháp luật trước đây sang thanh tra trên cơ sở rủi ro theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế như Basel II…
Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng kinh tế trong năm 2017 và những năm tiếp theo |
Ông Vivek Pathak, Giám đốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm WB:
Khu vực tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế
Ông Vivek Pathak |
Nhờ quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế nhanh, chỉ sau ba thập kỷ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Ngài Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm WB, đã coi Việt Nam là “một trong những điển hình phát triển thành công trên thế giới.”
Trong những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, nền kinh tế Việt Nam hầu như chỉ có các DNNN. Từ đó đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ, sự tăng nhanh về số lượng và vai trò của các DN tư nhân đối với nền kinh tế. Ngày nay, có hơn 500.000 DN tư nhân đang hoạt động ở Việt Nam. Các DN này đã trở thành động lực chủ chốt của nền kinh tế, đóng góp gần 50% GDP, tạo khoảng 60% việc làm và thu hút hơn 15 triệu lao động. Điều này cho thấy khu vực tư nhân có khả năng mang lại tăng trưởng bền vững và thịnh vượng chung.
Nhưng chúng tôi tin rằng các DN tư nhân còn có thể đóng góp nhiều hơn giúp cải thiện năng suất của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, và tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu muốn duy trì tăng trưởng và vươn lên thành một quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam phải tiếp tục tận dụng vai trò của khu vực tư nhân.
Và trên nhiều phương diện, Việt Nam đã đang thực hiện những điều này. Với sáu thập kỷ kinh nghiệm hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển trên toàn thế giới, IFC cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên con đường này. Chúng tôi hiểu rằng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như trên bình diện toàn cầu cho khu vực tư nhân không phải là chuyện có thể xảy ra một sớm một chiều.
Nhưng chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng đó là một viễn cảnh hoàn toàn khả thi nếu đảm bảo được ba điều: Một, tạo lập được một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân. Hai, tháo gỡ được cơ chế quản lý quan liêu hành chính. Ba, các DN tư nhân dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính hơn. Những bước đi này sẽ đưa Việt Nam theo kịp các quy ước và thông lệ quốc tế, cải thiện tính hiệu quả và cạnh tranh của các DN Việt, và kết nối họ vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp tục là một trong những điển hình phát triển thành công trên thế giới. Việt Nam có thể làm được điều đó nếu tiếp tục tiến những bước vững vàng và chắc chắn để thúc đẩy khu vực tư nhân năng động tiếp tục giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng, góp phần mở ra một tương lai mà người dân Việt Nam đang nỗ lực đạt đến và xứng đáng có được.
Tập trung vào nâng cao kỹ năng và tiếp cận với công nghệ mới là những yêu cầu bắt buộc để giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững |
Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Standard Chartered Bank Việt Nam:
Thách thức lớn sẽ đến từ các yếu tố khách quan bên ngoài
Ông Nirukt Sapru |
Chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về Việt Nam và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,6% trong năm 2017, sau khi có phần chậm lại năm 2016. Tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất chế tạo và sự cải thiện của ngành xây dựng sẽ vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong năm mới này.
Sự chuyển đổi trong xuất khẩu của Việt Nam từ những mặt hàng thế mạnh truyền thống như dệt may, da giày sang sản xuất, chế tạo các hàng hóa, thiết bị điện tử có giá trị gia tăng cao hơn tạo ra nền tảng cho tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn. Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu vẫn yếu ở các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và EU có thể sẽ phần nào hạn chế mức độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.
Sau khi đã đạt đỉnh vào năm 2016, chúng tôi cho rằng nhập khẩu sẽ chậm lại trong năm nay bởi tăng trưởng yếu đi trong nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào. Song với việc dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào mạnh thì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào vẫn sẽ ở mức cao.
Cụ thể, chúng tôi dự báo dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể sẽ chậm lại nhưng sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD trong năm 2017. Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại (HĐTM) khu vực đã mang đến cho Việt Nam nhiều lợi ích, trong đó có việc thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài. Lạm phát nhiều khả năng sẽ gia tăng trong năm 2017, đặc biệt là trong nửa đầu năm, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được và chúng tôi dự báo lạm phát cả năm ở mức 4,3%. Việc giá cả hàng hóa đang thoát đáy và mức lạm phát đã ở mức thấp đang tạo ra rủi ro về việc lạm phát gia tăng trong thời gian tới.
Về cơ bản các thách thức lớn trong năm 2017 sẽ đến từ các yếu tố khách quan bên ngoài. Thương mại toàn cầu đã yếu và có thể tiếp tục yếu đi sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu. Chúng tôi dự báo tăng tưởng kinh tế toàn cầu sẽ có cải thiện nhưng không nhiều, ở mức 2,7% trong năm 2017, và ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ và EU thì mức tăng trưởng dự báo chỉ lần lượt ở mức 1,5% và 1,4%.
Bên cạnh đó, khả năng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ từ các nước phương Tây cũng là một nguy cơ. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, sẽ không dễ dàng (ít nhất là trong ngắn hạn) để Mỹ áp đặt các mức thuế thương mại khác nghiệt hơn trong một thế giới mà các chuỗi cung ứng toàn cầu và các công ty đa quốc gia đang hiện hữu.
Ông Dennis Hussey – Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam:
Việt Nam sẽ là nền kinh tế hàng đầu của khu vực ASEAN trong năm 2017
Ông Dennis Hussey |
ANZ giữ quan điểm rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam nhờ hoạt động ngoại thương mạnh mẽ và tỷ lệ tiêu dùng cá nhân so với GDP tương đối cao. Chúng tôi cũng thấy rõ việc các nhà đầu tư vẫn xem Việt Nam là một điểm đến của dòng vốn FDI mà biểu hiện là những mức giải ngân vốn FDI kỷ lục trong năm 2016.
Sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào các thị trường quốc tế và khu vực thông qua các FTA và AEC, cùng với đó là cơ sở hạ tầng và năng suất lao động được cải thiện, lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt đang tiếp tục thu hút đầu tư. Và trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu với các rủi ro ngày càng gia tăng thì chúng tôi vẫn thấy Việt Nam sẽ là nền kinh tế hàng đầu của khu vực ASEAN trong năm 2017.
Về thách thức, nếu bỏ qua một bên những rủi ro tiềm ẩn lớn từ nền kinh tế toàn cầu bên ngoài thì những thách thức trong nước có lẽ không có gì mới hơn những gì đã được đưa ra thảo luận rộng rãi ở Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Và có lẽ, căng thẳng tài khóa là một thách thức sẽ khiến nhu cầu phải tiếp tục đầu tư của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Theo quan điểm cá nhân tôi, để hóa giải thách thức này thì trong ngắn hạn, việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN là cách để giúp giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Việt Nam có thể tận dụng sự quan tâm của bên ngoài đối với các DNNN để đưa các dòng tiền mới (thông qua cổ phần hóa) vào nền kinh tế. Trong trung hạn, căng thẳng tài khóa chỉ có thể được giải quyết thông qua việc nâng được năng suất lao động trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Vì vậy, tập trung vào nâng cao kỹ năng và tiếp cận với công nghệ mới là những yêu cầu bắt buộc để giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Về tái cơ cấu hệ thống NH, thực tế là một số NH tại Việt Nam vẫn cần bổ sung vốn khi chuyển sang áp dụng theo Basel II vào năm 2018 (cho các NH thí điểm) và năm 2020 đối với những NH khác. Trong quá khứ, tôi đã từng nhấn mạnh về tác dụng tích cực như thế nào khi các NH thực sự tái cơ cấu, thu hồi nợ xấu cũng như tái đầu tư lợi nhuận.
Tôi rất kỳ vọng sẽ thấy một sự chuyển động về tái cấp vốn như vậy bắt đầu vào năm 2017. Tôi vẫn tin rằng, một tiến bộ lớn đã đạt được trong việc cải thiện công tác quản lý, quản trị và khả năng tổng thể của ngành NH trong những năm gần đây. Từ quan điểm của một khách hàng, tôi cho rằng các NH tốt nhất hiện nay thực sự đã có được những sản phẩm đẳng cấp thế giới và vẫn đang nhanh chóng cải thiện dịch vụ, nên có thể nói họ đã ở một vị trí để sẵn sàng cạnh tranh với các NH trong ASEAN.
Nhưng bên cạnh đó, các NH trong nước cũng cần tiếp tục thận trọng trong xác định khẩu vị rủi ro của mình và chú ý đến bài học trong quá khứ liên quan đến nợ xấu. Đơn cử, chúng tôi đang một lần nữa nhìn thấy tốc độ tăng trưởng khá nhanh của lĩnh vực bất động sản và vì vậy, các NH cần cẩn trọng để đảm bảo sẽ không quá tập trung tín dụng vào bất kỳ một lĩnh vực cụ thể nào. Việc thực hiện Basel sẽ là thách thức, nhưng cuối cùng thực hiện được sẽ giúp ngành NH vững mạnh hơn, hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế trong tương lai.
Nếu muốn duy trì tăng trưởng và vươn lên thành một quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam phải tiếp tục tận dụng vai trò của khu vực tư nhân |
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam:
Việt Nam có cơ hội giàu trước khi già
Ông Phạm Hồng Hải |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động đầy bất ngờ, tôi kỳ vọng Việt Nam trong năm 2017 vẫn sẽ tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực. Tất nhiên, do kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực nên không tránh khỏi việc sẽ chịu những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp và trên cả góc độ tích cực cũng như tiêu cực.
Nhưng tôi vui mừng khi nhận thấy các DN Việt Nam nhận thức được nhu cầu cần thiết phải cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh khi chúng ta ngày càng hội nhập. Như vậy, ngay cả khi không được thông qua, TPP vẫn đóng vai trò như một cú huých để Việt Nam tiến hành các cải cách.
Ngoài ra, nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam đang và vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực. Nhưng để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến chất lượng của các dự án FDI, cụ thể tác động tới môi trường và tăng cường khả năng kết nối của các DN Việt vào các chuỗi cung ứng đó.
Bên cạnh đó cần hiểu rằng, chiến lược phát triển dựa vào nhân công giá rẻ sẽ không thể là một chiến lược bền vững của một quốc gia. Việt Nam cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình (ví dụ như nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin) và cần đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này để tạo giá trị cạnh tranh bền vững.
Việt Nam cũng cần đẩy mạnh năng suất lao động vốn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực thông qua cải cách giáo dục mạnh mẽ. Chính phủ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi về thuế, thủ tục hành chính và giải ngân giúp DN phát triển.
Năm 2017, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện ba mục tiêu cải cách đã đề ra là cải cách đầu tư công, các DNNN và khu vực NH. Thực hiện những mục tiêu này sẽ không chỉ giúp nền kinh tế năm 2017 mà còn tạo động lực để cải thiện những tiền đề căn bản của nền kinh tế, giúp nền kinh tế chịu đựng được những cú sốc từ bên ngoài.
Mặc dù có những khó khăn nội tại, Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chúng ta vẫn đang ở thời điểm dân số vàng với lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, cần cù và khéo léo; có nền chính trị và KTVM ổn định; có lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư FDI. Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ, qua đó duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Lưu ý là cơ hội này sẽ không kéo dài vì Việt Nam là một trong những nước đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự quyết tâm nâng cao năng suất lao động, cải cách giáo dục, tái cơ cấu ba lĩnh vực kinh tế trọng tâm, cải cách hành chính và chấp nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân thì hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai. Chúng ta sẽ có cơ hội giàu trước khi già.