WEF ASEAN 2018: Đổi mới sáng tạo để phát triển
Để bắt kịp CMCN 4.0, cần tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt | |
Thách thức quản lý trong CMCN 4.0 | |
Không để CMCN 4.0 bỏ rơi người nghèo |
Để không trở thành nô lệ của robot
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đã chính thức diễn ra từ ngày 11/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)”, Hội nghị WEF ASEAN 2018 là một diễn đàn lớn và uy tín trong khu vực, có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới trong đó có 80 start-up hàng đầu khu vực ASEAN.
Nắm bắt ưu thế mà cuộc CMCN 4.0 mang lại sẽ thành công |
Bao gồm khoảng gần 60 phiên thảo luận, Hội nghị WEF ASEAN 2018 là diễn đàn để các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực chia sẻ ý tưởng, chính sách, biện pháp về phát triển khởi nghiệp, tranh thủ cơ hội cũng như hợp tác giải quyết các vấn đề mà cuộc CMCN 4.0 đặt ra cho các nước ASEAN và khu vực.
Phát biểu tại diễn đàn mở có chủ đề “ASEAN 4.0 vì mọi người dân”, GS. Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF chia sẻ, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không thể xem nhẹ tác động của CMCN 4.0 lên sự thay đổi của kinh tế, xã hội. Khác với 3 cuộc CMCN trong quá khứ, CMCN 4.0 không chỉ đơn thuần là sự thay đổi, phát triển của một công nghệ mà nó toàn diện, bao gồm nhiều công nghệ mới hơn như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, y học chính xác...
“Tôi đã liệt kê lên tới hơn 25 công nghệ khác nhau và tất cả công nghệ đó sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng, liên lạc, truyền thông…”, ông nhấn mạnh. Sự thay đổi toàn diện đó sẽ tạo nên một trong những khác biệt của cuộc cách mạng này là dẫn đến sự kết hợp hoà trộn giữa thế giới vật chất, thế giới số cũng như thế giới sinh học của con người.
Một khác biệt nữa của CMCN 4.0 là tốc độ. Theo đó, nhiều công nghệ (như blockchain, xe tự lái...), chỉ vài năm trước đây còn được xem là những ngành khoa học giả tưởng, nhưng thời điểm hiện nay đã thành hiện thực và được ứng dụng trong cuộc sống. Vì vậy, trong tương lai các quốc gia thành công là quốc gia có thể nắm bắt ưu thế mà cuộc cách mạng này mang lại.
Vậy cần chuẩn bị gì để nắm bắt các cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại? GS. Klaus Schwab cho rằng, điều kiện đầu tiên là phải hiểu rõ về tầm quan trọng của cuộc cách mạng này để nắm bắt kiến thức, đón đầu cơ hội. Cùng với đó, chính sách cần thiết là phải khuyến khích tinh thần doanh nhân trong xã hội, cởi mở chào đón sự thay đổi.
“Mọi người rất e ngại thay đổi và e ngại cuộc cách mạng này làm mất đi nhiều cơ hội việc làm, nhưng thực tế là bên cạnh đó nó cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới. Phải thay đổi kịp thời bằng cách đảm bảo chúng ta có kỹ năng cần thiết và các sinh viên thế hệ trẻ là người ứng dụng kỹ năng đó”, Chủ tịch điều hành WEF khuyến nghị và nhấn thêm rằng: Làm được điều đó, chúng ta sẽ không trở thành nô lệ của robot, của trí tuệ nhân tạo. Điều đó có nghĩa là các quốc gia phải chuẩn bị rõ ràng để đảm bảo rằng công nghệ phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm.
Việt Nam đã sẵn sàng
Vậy làm thế nào để các DN khởi nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0? Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ đặt vấn đề khi mở đầu bài phát biểu của mình.
Hiện cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác liên kết kinh tế quốc tế dựa trên phát triển thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt các công nghệ trọng tâm của CMCN 4.0 đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội với Việt Nam và các nước ASEAN. Bởi vậy, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh đó là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn định hướng giải pháp quốc gia, tạo phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. Ở đó cũng tạo cơ hội để giới trẻ của cộng đồng ASEAN phát huy năng lực, trí tuệ, sáng tạo, biến thách thức thành thời cơ, chuyển hoá ý tưởng thành sản phẩm.
Nhấn mạnh Chính phủ đã xác định DN, trong đó có các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là trung tâm của nền kinh tế, động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng khẳng định, đến nay Việt Nam đã cơ bản hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh và bước đầu thu hút một số nguồn lực trong nước và quốc tế, thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của CMCN 4.0.
Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về những ý tưởng, sáng kiến thúc đẩy hợp tác ASEAN với các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả thành tựu CMCN 4.0, góp phần xây dựng nền kinh tế - xã hội các quốc gia ASEAN ngày càng thông minh hiệu quả hơn.
Về phía mình, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn 2035, kịch bản CMCN 4.0 cho Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động, Việt Nam mong hợp tác và đồng hành cùng WEF và các nước ASEAN sẵn sàng kết nối với các DN, các nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn ASEAN và thế giới.
Trước thềm Hội nghị WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài viết “Hội nghị WEF ASEAN 2018 - Chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN trong thời kỳ CMCN 4.0”. Trong đó Thủ tướng nêu rõ, việc giữ cương vị chủ nhà WEF ASEAN 2018 là cơ hội để Việt Nam chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp quốc tế tham dự hội nghị có nhiều tập đoàn thuộc Top 500 thế giới với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và kỹ năng quản lý. Việc họ trực tiếp chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không khí kinh doanh sôi động và hình ảnh về con người Việt Nam hiền hòa, mến khách, cởi mở, năng động, sáng tạo với khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ, sẽ thúc đẩy hợp tác kết nối, kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam với các chương trình hành động, dự án phong phú, đa dạng triển khai các cơ hội của CMCN 4.0. Hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia sẽ là cơ hội và động lực để các doanh nghiệp Việt Nam dám nghĩ, dám làm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, vươn ra biển lớn. |