Xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước - Siết chặt công tác quản lý
Bài 1: Siết chặt công tác quản lý
Ảnh minh họa |
Ngổn ngang nợ
Theo báo cáo Bộ Tài chính nhận được, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có nợ vốn đầu tư XDCB ở mức độ khác nhau. Tổng số nợ XDCB của 63 địa phương đối với khối lượng đã thực hiện đến ngày 31/12/2011, lên tới 91.273 tỷ đồng (bình quân 1 tỉnh nợ trên 1.448 tỷ đồng), bằng 68,4% so với tổng kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2011 của 63 địa phương (kế hoạch Nhà nước giao, bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu chính phủ).
Trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các giải pháp quy định xử lý nợ đọng XDCB, và gần đây nhất, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Với việc ban hành hàng loạt các văn bản quy định chấn chỉnh tình hình nợ XDCB đã làm cho tình hình nợ đọng XDCB có nhiều chuyển biến tích cực, giảm đáng kể so với trước. Các cấp các ngành đều đã quán triệt thực hiện ưu tiên bố trí vốn kế hoạch hàng năm để thanh toán nợ đọng XDCB. Tuy nhiên, để giải quyết nợ đọng XDCB vẫn cần có thời gian và nhiều giải pháp hữu hiệu. |
Trong đó có rất nhiều địa phương có số nợ XDCB ở mức cao. Cụ thể là có tới 15 địa phương nợ trên 100% so với kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2011. Trong đó, đứng đầu danh sách nợ là: Hà Tĩnh 9.696 tỷ đồng (293,4%), Nghệ An 6.316 tỷ đồng (209,3%), Hà Giang 3.560 tỷ đồng (187,3%), Đồng Tháp 3.335 tỷ đồng (254%), Bắc Ninh: 2.856 tỷ đồng (188,2%), Đắk Lắk: 2.548 tỷ đồng (165,1%), Hải Dương: 2.034 tỷ đồng (147,5%)...
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã chủ động có văn bản gửi các địa phương đề nghị báo cáo về tình hình nợ đọng XDCB và đã tổng hợp báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng trên. Chỉ thị này đã tác động tích cực đến việc nhận thức tầm quan trọng của công tác xử lý nợ XDCB tại các bộ, ngành, địa phương.
Nguyên nhân do đâu ?
Nợ XDCB lớn do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp và cơ bản là khả năng cân đối vốn của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư ngày càng, dẫn đến tình trạng vốn không bố trí đủ theo tiến độ, thậm chí công trình đã đấu thầu, thiết bị đã đặt mua nhưng không được bố trí vốn. Bên cạnh đó, khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước cũng ảnh hưởng không nhỏ; để đảm bảo hiệu quả đầu tư thì các bộ, ngành, địa phương phải lựa chọn, rà soát, sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư, dẫn tới một số dự án không được bố trí vốn.
Về quản lý vĩ mô, công tác quản lý nợ XDCB chưa được coi là nội dung quan trọng trong quản lý đầu tư XDCB; chưa có quy định cụ thể về yêu cầu, nội dung quản lý, chưa quy định rõ trách nhiệm và chưa có chế tài xử lý cụ thể. Hiện tượng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của NSNN đã diễn ra từ lâu và trên phạm vi rộng nhưng hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này không đủ sức ngăn chặn kịp thời. Tình trạng bất cập trong phân cấp quản lý (địa phương quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng nhưng nguồn vốn do ngân sách trung ương hỗ trợ theo khả năng cân đối) kéo dài nhiều năm. Việc chưa xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn để làm căn cứ quyết định đầu tư và bố trí vốn đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải và nợ đọng trong XDCB.
Mặt khác, trách nhiệm trong công tác quản lý của các cấp chưa cao, các chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn tới tình trạng không có vốn nhưng cứ làm, cứ đấu thầu, cứ đặt hàng mua thiết bị.
Về phía bộ, ngành, địa phương, công tác xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển chưa gắn với nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch, vì vậy khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch luôn trong tình trạng bị động, không đảm bảo nguồn để thực hiện. Không chấp hành đúng pháp luật trong đầu tư XDCB (dự án chưa được phân bổ vốn đã triển khai xây dựng, làm vượt khối lượng so với kế hoạch được giao, mở rộng đầu tư vượt quá khả năng cân đối của ngân sách) vì nhiều lý do khác nhau (thiếu trách nhiệm, nôn nóng, chạy theo thành tích...).
Ngoài ra, với tư duy nhiệm kỳ ở một số địa phương, một số lãnh đạo do nóng vội đã có những quyết định đầu tư không đúng quy định của Nhà nước, và để có vốn thực hiện, đã huy động bằng nhiều nguồn khác nhau thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại nước ngoài, vay các tổ chức tín dụng... làm tăng nợ công, đặc biệt tình trạng nợ XDCB ngày càng lớn. Bên cạnh đó, công tác quản lý còn buông lỏng, chưa hoặc không kiểm tra, phát hiện, giám sát kịp thời; không tổ chức theo dõi, quản lý nợ khối lượng XDCB. Bố trí vốn đầu tư dàn trải, chưa hoặc không quan tâm đến thanh toán nợ đọng và có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ từ NS Trung ương.
Về phía các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng, vì sức ép của công ăn việc làm nên vẫn thi công, thậm chí ứng vốn trước mặc dù không rõ nguồn vốn thanh toán đã cùng với địa phương gây ra tình trạng nợ đọng trong XDCB. Một số nhà thầu quan niệm rằng các công trình quan trọng của địa phương sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì trước sau sẽ được thanh toán vốn nên đã vay mượn để thi công, và hậu quả là nhiều năm sau vẫn là chủ nợ bất đắc dĩ.