Xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước - Xử lý nợ đọng - cách nào?
> Bài 1: Siết chặt công tác quản lý
Ảnh minh họa |
Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nợ đọng là do chưa tuân thủ các quy định về đầu tư công; việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này chưa nghiêm. Do vậy, điều trước tiên là phải chấp hành nghiêm các quy định tại Luật Đầu tư công và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB và về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB.
Không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn hoàn trả. Tập trung kiểm tra việc phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư, đặc biệt là các dự án có thay đổi tổng mức đầu tư lớn. Nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB; đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm... (Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ) |
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát và báo cáo chính xác số nợ đọng XDCB đến hết ngày 31/12/2014 theo từng nguồn vốn. Trong đó, làm rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản đã có biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện tính đến hết ngày 31/12/2014.
Dự kiến phương án và lộ trình thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết ngày 31/12/2014 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo từng nguồn vốn và các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công. Không được sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và các dự án không có trong kế hoạch.
Các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền. Đối với các dự án khởi công mới, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Đối với các dự án đã được thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư phần vốn ngân sách trung ương theo đúng mức vốn đã được thẩm định.
Việc điều chỉnh dự án phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, mục tiêu đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn và khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định. Thanh toán và ứng vốn cho các dự án đầu tư phải theo khối lượng thực hiện; trường hợp đặc biệt phải được cấp thẩm quyền cho phép...
Rà soát, chuyển đổi hình thức đầu tư
Theo ước tính sơ bộ trong 4 năm 2012 - 2015, vốn NSNN chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu vốn của các dự án đã được phê duyệt. Do vậy, một biện pháp có thể giúp giảm gánh nặng từ NSNN là thực hiện rà soát, chuyển đổi sang kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát và lập danh mục các dự án đang được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, gồm: Danh mục các dự án hoàn thành, đã bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; danh mục dự án có khả năng hoàn thành năm kế hoạch; danh mục dự án còn lại để sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư, trong đó tập trung bố trí vốn cho các dự án dở dang, tránh đầu tư dàn trải.
Các dự án còn lại sẽ được tiếp tục phân loại và xử lý. Các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác như: BOT, BT, ...bao gồm: Các dự án có thể thu phí để hoàn vốn đầu tư; có thể thanh toán bằng quyền sử dụng đất; có thể bán hoặc chuyển nhượng. Theo đó, Nhà nước có thể rút toàn bộ vốn đã đầu tư vào dự án hoặc góp phần vốn đã đầu tư, hoặc chuyển toàn bộ vốn đã đầu tư vào dự án cho chủ đầu tư mới; chuyển đổi theo hình thức Hợp đồng BOT đối với các dự án có khả năng giao cho nhà đầu tư tiếp tục xây dựng và kinh doanh công trình để thu hồi vốn; chuyển đổi theo hình thức Hợp đồng BT nếu các bộ, ngành, địa phương có khả năng thu xếp được quỹ đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác...
Đối với các dự án không thể chuyển đổi hình thức đầu tư thì chủ động sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện; trường hợp không có vốn, phải giãn tiến độ thực hiện.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền của các bộ, ban, ngành, địa phương, để hoàn thành giải quyết dứt điểm nợ XDCB và làm giảm bớt việc phát sinh nợ mới.