Xốc lại động lực dẫn dắt nền kinh tế
Quản lý làm sao để doanh nghiệp Nhà nước phát triển xứng tầm | |
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Cần vượt qua tư duy cũ | |
Nhận diện “khoảng tối” cổ phần hoá DNNN |
Khu vực DNNN tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, một công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả vai trò này, cần đánh giá thực chất kết quả cơ cấu lại DNNN khi Nhà nước vẫn nắm giữ khoảng 90% vốn điều lệ tại gần 600 DN, song hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.
Vấn đề này được đặt ra tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức sáng 21/11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu bế mạc hội nghị |
Quyết tâm vượt tư duy cũ
Đánh giá tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn chứng, giá trị thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 cao gấp 2,5 lần giai đoạn 2011- 2015. Hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục tăng lên, thể hiện ở tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp ngân sách nhà nước tăng 5% so với năm 2016... Trong 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các DNNN đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm. Đến nay đã có 106 DNNN sau cổ phần hoá thực hiện niêm yết.
Tuy nhiên khu vực DNNN vẫn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức cần tập trung xử lý sớm. Đó là những bất cập trong cơ chế, chính sách định giá quyền sử dụng đất trong xác định giá trị DN; lựa chọn nhà đầu tư; hiệu quả sản xuất kinh doanh; năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0; tình trạng thất thoát, tham nhũng; xử lý những dự án đầu tư không có hiệu quả, thua lỗ, mất vốn; công tác cán bộ…
Đánh giá về công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng chỉ ra còn rất nhiều vấn đề chậm trễ. Về tổng thể, việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN. Theo đó, tính đến hết tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Về cổ phần hóa, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 DN, tuy nhiên đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 DN. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Việc triển khai thoái vốn nhà nước cũng có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sự chậm trễ còn thể hiện ở việc chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN cổ phần hóa, ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch; chậm đổi mới công tác quản trị; hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội.
DNNN vẫn là một động lực quan trọng của nền kinh tế |
Sẽ có chế tài mạnh để thúc ép đổi mới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật ở 2 điểm góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước; và giảm số lượng DNNN từ trên 12.000 xuống còn dưới 600 DN.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý một số điểm bất cập, tồn tại, là hiệu quả, đóng góp của nhiều DNNN còn thấp. Nếu quản trị tốt hơn, đầu tư khoa học công nghệ tốt hơn thì đóng góp sẽ tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, còn vấn đề nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn; tính công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát có nhiều vấn đề…
Cho rằng những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được nghiêm; vẫn còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng trong cổ phần hóa, thoái vốn.
Từ những thực tế đó, Thủ tướng đã đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Đó là cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hóa ngay cả DN có hiệu quả để thu hút vốn xã hội, nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Đối với các DN có khả năng không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa do lý do khách quan, cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết. Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi ngay các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị DN cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa, thoái vốn, các quy định về quản lý tài chính, tiền lương, đăng ký, niêm yết; quyền và trách nhiệm của lãnh đạo DN, cơ quan quản lý, đại diện chủ sở hữu…
Với quan điểm nhất quán như trên, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31/12/2018.
Nhấn mạnh công tác nhân sự, bố trí cán bộ tại các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nêu rõ, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn Nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, “bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”. Kiên quyết không để tình trạng "sân trước, sân sau".
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ. Đồng thời định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.