Phòng vệ thương mại: Thiếu sự đồng lòng
Đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại: Liên kết hay là chết? | |
Thiếu giải pháp trong phòng vệ thương mại | |
Chủ động chống bán phá giá |
Một điểm đáng buồn trong nhận thức và hành động của cộng đồng DN Việt Nam là vẫn còn thờ ơ với các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), trong khi theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiện nay ở các nước phát triển, các tập đoàn lớn họ coi việc đề nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp PVTM là một trong những chiến lược đảm bảo cho kinh doanh hiện tại và tương lai.
Nếu ta không sử dụng những công cụ được WTO cho phép để bảo vệ sản xuất trong nước, thì ngành sản xuất trong nước sẽ bị phá sản |
10 năm và 6 vụ khởi xướng PVTM
Tại Hội nghị tổng kết thực thi Pháp luật Phòng vệ thương mại vừa diễn ra, ông Nguyễn Phương Nam cho biết, tại Việt Nam, pháp luật về PVTM đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa, đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng cũng là công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, tới tận năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi trong xây dựng theo đề nghị của đại diện các nhà sản xuất mặt hàng kính nổi trong nước. Bà Phạm Châu Giang, Phòng điều tra các vụ kiện thương mại (Cục quản lý cạnh tranh) cho biết, đến nay hơn 10 năm, Việt Nam thực thi được 4 biện pháp tự vệ, 2 vụ việc chống bán phá giá và chưa có vụ chống trợ cấp nào.
“Nhiều phương tiện thông tin phản ánh hàng hóa Việt Nam đang phải đối mặt với hơn 100 vụ kiện liên quan đến cá da trơn, tôm, giày da, các sản phẩm thép… trong khi Việt Nam mới khởi xướng 6 vụ thì thật sự chưa bõ bèn gì”, bà Giang nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Nam, số lượng yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây cho thấy việc sử dụng các công cụ pháp lý này là cần thiết và phù hợp nhằm bảo vệ sản phẩm, DN Việt Nam ngay trên thị trường trong nước trước những hành vi cạnh tranh không công bằng của DN nước ngoài. Bảo vệ sự hình thành và tồn tại của các ngành sản xuất còn non trẻ của Việt Nam chính là vấn đề quan trọng đảm bảo cho hội nhập kinh tế quốc tế thành công.
Ông Nam cũng cho rằng, cái khó hiện nay về PVTM là nhận thức chung của toàn xã hội chưa theo kịp dẫn tới các công cụ chúng ta áp dụng bảo hộ còn khó và chưa tốt. Bên cạnh đó, nếu ta không sử dụng những công cụ được WTO cho phép để bảo vệ sản xuất trong nước, thì ngành sản xuất trong nước sẽ bị tiêu diệt và phá sản.
Bởi khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập, họ sẽ bán phá giá với giá rất thấp, để nền sản xuất trong nước bị tiêu diệt, sau khi đã tiêu diệt xong, họ sẽ chiếm lĩnh thị trường và nâng giá lên, lúc đấy người tiêu dùng liệu có còn cơ hội nào để được bảo vệ nữa hay không”, ông Nam lo ngại.
Dư luận chưa đồng thuận, DN lại thờ ơ
Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, trong thế giới phẳng hiện nay, khi chúng ta đã ký nhiều FTA, bên cạnh mặt tích cực thuế giảm, hàng hóa của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu đến các nước khác, nhưng mặt tiêu cực ở chỗ nếu các DN, cộng đồng DN không có sự chuẩn bị kỹ, không có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thì khi thuế giảm, chỉ 5% cũng khiến các DN điêu đứng.
“Chúng tôi mong cộng đồng DN cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, nên tìm hiểu kỹ hơn về các biện pháp này bởi trước sau gì họ cũng đều chịu ảnh hưởng của biện pháp PVTM. Vì vậy, trong các cuộc điều tra, DN cần hợp tác cung cấp đầy đủ thông tin, và thể hiện chính kiến của mình. Tránh tình trạng khi điều tra DN không cho ý kiến, nhưng đến khi áp dụng PVTM với việc áp thuế hàng loạt, DN lại kêu không báo trước…”, một chuyên gia nói.
Ông Nguyễn Phương Nam thì cho rằng, cái khó khăn hơn lại nằm ở sự đồng lòng của các cơ quan Nhà nước cũng như cộng đồng DN trong việc cùng nhau thực hiện các biện pháp PVTM.
Dẫn ví dụ khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt Nam, đã có nhiều ý kiến của cộng đồng DN và cả cơ quan Nhà nước không tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, họ còn tỏ ra thiếu hợp tác. Nhưng do chúng ta đã kiên trì kháng kiện 8 năm qua trên WTO, cuối cùng đến nay chúng ta đã thắng.
Hay như năm 2015, khi ông dẫn cả 1 đoàn vào để hỗ trợ cho Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, và Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai hướng dẫn cách thức và hồ sơ cho trên 30 DN để thực hiện các biện pháp PVTM, nhưng sau đó các DN lại đồng loạt rút lui bởi tâm lý có kiện cũng không thể thắng Mỹ.
Ông Nam nhấn mạnh việc Việt Nam tập trung chủ động khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM không hề tùy tiện mà theo quy trình hết sức chặt chẽ theo quy định của pháp luật Việt Nam và WTO…
Tất cả những động thái của Việt Nam khi khởi xướng, áp dụng đều phải thông báo lên WTO một cách nghiêm túc. Chính vì vậy, muốn áp dụng các biện pháp PVTM thành công phải có đồng lòng của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tích cực tham gia của cộng đồng DN.
“Hiện nay ở các nước phát triển, các tập đoàn lớn coi việc đề nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp PVTM là một trong những chiến lược kinh doanh hiện tại và tương lai thì DN Việt Nam cũng nên tận dụng hữu hiệu công cụ này”, ông Nam khuyến cáo.