Bảo đảm lưu thông tiền tệ thông suốt dịp cuối năm
Giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn |
Ảnh minh họa |
Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực
Nghị quyết nêu rõ, các Thành viên Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; đồng thời chủ động đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm triển khai kế hoạch năm 2020 ngay từ đầu năm.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực, diễn biến cung cầu thị trường, giá cả nhất là các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp, đối sách phù hợp trong điều hành chính sách vĩ mô, bình ổn thị trường giá cả, ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Từng bộ, ngành bám sát kịch bản tăng trưởng, có giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, bảo đảm hoàn thành cao nhất chỉ tiêu đề ra. Tích cực đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2019 đạt kết quả cao nhất, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
Bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ trong điều kiện nền kinh tế số
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, tạo thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ trong điều kiện nền kinh tế số; lưu thông tiền tệ thông suốt, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, phấn đấu tăng thu cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội, góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho các dự án, công trình quan trọng, cấp bách và cho cải cách tiền lương
Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời duy trì ổn định các thị trường chủ lực.
Chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu
Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Các địa phương có phương án chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, bảo đảm không tăng giá lương thực, thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương có phương án bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm, không để thiếu hụt nguồn cung, gây sốt giá.
Tiếp tục làm tốt chính sách an sinh xã hội
Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng, có sự tham gia của các bộ, cơ quan liên quan để rà soát những quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; lập danh mục các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt chính sách an sinh xã hội, tập trung thực hiện tốt chính sách đối với người có công, chăm lo các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo thực hiện thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019; trong đó về tổ chức và nhân sự theo hướng Chủ tịch Hội đồng quản lý không kiêm nhiệm Tổng Giám đốc/Giám đốc bệnh viện trong thời gian thực hiện thí điểm...