Các ngân hàng đồng loạt cảnh báo thủ đoạn giả mạo giao dịch vàng để lừa đảo
Theo các ngân hàng, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng mạo danh doanh nghiệp kinh doanh vàng và tổ chức tín dụng, đặc biệt là giả mạo website, fanpage và tài khoản mạng xã hội với tên miền, giao diện và logo tương tự các thương hiệu uy tín như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, hoặc thậm chí là chính ngân hàng như SHB, BIDV, MB... Mục đích là đánh lừa người dùng, tạo lòng tin để dụ dỗ họ tham gia vào các giao dịch mua bán vàng không hợp pháp.
Cảnh báo từ SHB cho biết, sau khi tạo dựng lòng tin, các đối tượng tội phạm thường tung tin giả về giá vàng, quảng bá các chương trình chiết khấu, khuyến mãi, tặng thưởng lớn để kích thích người tiêu dùng tham gia. Tiếp đó, chúng mời gọi đầu tư online với cam kết lợi nhuận cao, trả lãi theo ngày hoặc theo tuần mà thực chất là lừa đảo để chiếm đoạt tiền.
Khi nạn nhân “sập bẫy”, các đối tượng tiếp tục gửi tin nhắn, email giả danh doanh nghiệp hoặc lãnh đạo công ty để thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP. Thậm chí, kẻ gian còn mạo danh người thân, nhân viên công ty vàng, gọi điện hoặc liên hệ qua mạng xã hội để tiếp cận, lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đại diện SHB cảnh báo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không giao dịch vàng/bạc qua các kênh không chính thống và cần thận trọng trước mọi lời mời chào đầu tư sinh lời cao, vì phía sau có thể là cái bẫy tài chính được giăng sẵn để chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào như truy cập vào link lạ, cài đặt ứng dụng lạ, chuyển tiền, nạp thẻ, rút tiền… của các đối tượng khi có nghi vấn. Không cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, thông tin cá nhân, dữ liệu sinh trắc học… cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. SHB không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook Messenger, Telegram, What’sapp…).
Khách hàng chỉ nên thực hiện giao dịch mua, bán vàng miếng trực tiếp tại các điểm chính thức đã được nhà nước cấp phép. Tuyệt đối không giao dịch qua các kênh trung gian, không rõ nguồn gốc.
Trong trường hợp cần tra cứu thông tin qua internet, khách hàng cần đảm bảo truy cập đúng website chính thức của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính uy tín thường sử dụng tên miền đã được đăng ký với cơ quan chức năng tại Việt Nam như .vn hoặc .com.vn. Những website có tên miền lạ như .vip, .top, .cc… rất có thể là giả mạo và tiềm ẩn rủi ro cao về lừa đảo.
“Trước tình hình thị trường vàng biến động mạnh và các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, khách hàng cần tuyệt đối cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán vàng. Chúng tôi khuyến cáo người dân chỉ nên giao dịch tại các điểm được cấp phép chính thức. Đồng thời, cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, đây là tài sản số quan trọng, không được tùy tiện cung cấp nếu chưa xác minh rõ ràng. Mọi sự lơ là, chủ quan đều có thể tạo cơ hội cho tội phạm lợi dụng và chiếm đoạt tài sản”, đại diện SHB nhấn mạnh.
Tương tự, trong các cảnh báo gần đây, BIDV và MB cũng chỉ rõ các thủ đoạn lừa đảo phổ biến. Cụ thể gồm: Giả mạo website, fanpage, tài khoản mạng xã hội của các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, sử dụng tên miền, giao diện và logo tương tự để gây nhầm lẫn với các trang chính thức. Các đối tượng sau đó đăng tải thông tin giả mạo về giá vàng, quảng bá các chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao hoặc tặng thưởng lớn để thu hút sự chú ý và tạo lòng tin.
Không dừng lại ở đó, kẻ gian còn mời chào giao dịch vàng online với cam kết lợi nhuận hấp dẫn, trả lãi theo ngày hoặc tuần, thực chất là hình thức dụ dỗ mang tính lừa đảo. Khi nạn nhân bắt đầu tham gia, chúng tiếp tục gửi tin nhắn, email giả danh doanh nghiệp hoặc lãnh đạo công ty vàng để thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản. Một số trường hợp còn lợi dụng thông tin bị rò rỉ để mạo danh người quen, nhân viên công ty vàng nhằm tiếp cận, lừa đảo qua điện thoại hoặc các nền tảng mạng xã hội.
Trước đó, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cũng cảnh báo khách hàng và đối tác về tình trạng gian lận, lừa đảo qua website và fanpage Facebook nhằm mục đích lợi dụng uy tín và thương hiệu của Công ty SJC.
“Hiện nay, đã có một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa của Công ty SJC bằng cách xây dựng website, fanpage Facebook giả mạo với mục đích lừa đảo thông tin khách hàng, thu gom dữ liệu cá nhân và thực hiện các giao dịch không có cơ sở pháp lý. Các hành vi này đã gây thiệt hại về mặt tinh thần lẫn kinh tế cho một số khách hàng”, đại diện SJC cho biết.
SJC cảnh báo khách hàng nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc bị lộ các thông tin nhạy cảm khác và khuyến cáo khách hàng chỉ giao dịch qua các website được xác thực.
Trước tình hình thị trường vàng biến động mạnh, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán.
Ngân hàng SHB khuyến nghị người dân chỉ nên thực hiện giao dịch mua, bán vàng miếng trực tiếp tại các điểm chính thức đã được Nhà nước cấp phép. Tuyệt đối không giao dịch qua các kênh trung gian, không rõ nguồn gốc.
BIDV đề nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên doanh nghiệp hay ngân hàng.
MB lưu ý khách hàng cần kiểm tra kỹ fanpage, website, đường dẫn link rõ ràng, thông tin các địa điểm giao dịch được phép mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng trên địa bàn và toàn quốc, đồng thời xác minh thông tin tài khoản thanh toán, yêu cầu bên bán xác nhận thanh toán khi nhận hàng; luôn xác thực lại số tài khoản, tên người nhận, địa chỉ doanh nghiệp qua website chính thức, hotline của các thương hiệu uy tín.
Đồng thời, người dân cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân - tài sản số quan trọng, không được tùy tiện cung cấp nếu chưa xác minh rõ ràng. "Mọi sự lơ là, chủ quan đều có thể tạo cơ hội cho tội phạm lợi dụng và chiếm đoạt tài sản", đại diện SHB nêu.
Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 đã yêu cầu các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên địa bàn phải treo bảng hiệu nhận diện, niêm yết công khai giấy phép để người dân nhận diện là điểm mua bán hợp pháp.
Tin liên quan
Tin khác

Ngân hàng tăng cường “thành trì” bảo vệ khách hàng

Bảo vệ người dân trước lừa đảo công nghệ cao

Triệt phá đường dây đánh cắp 21.000 thẻ tín dụng quốc tế

Cảnh giác với “vay online lãi thấp”, “thủ tục siêu nhanh”

Ngân hàng chủ động chặn lừa đảo chuyển tiền bằng cảnh báo tài khoản rủi ro

Người dùng Android đối mặt nguy cơ lừa đảo từ mã độc Crocodilus

Bóc trần chiêu thức thuê người Việt Nam mở tài khoản, lập công ty để lừa đảo

Xuất hiện chiêu lừa mới: Mạo danh tổ chức, cơ quan nhà nước để lừa đảo

Cảnh báo mã độc giả mạo chatbot AI tấn công người dùng Android, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng
