Cần đổi mới tư duy về PPP
Không “phó mặc” dự án PPP cho nhà đầu tư | |
Tường minh cơ chế chia sẻ rủi ro để Luật PPP “sống” khỏe |
Cần cơ chế chia sẻ rủi ro với các NĐT PPP |
Dành dư địa cho sáng tạo của khu vực tư nhân
Chia sẻ về những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi trong Luật PPP, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có nhiều vấn đề cần làm rõ, như vai trò quản lý của Nhà nước cần quy định thế nào để không thất thoát, tham nhũng, tiêu cực; việc kiểm toán các dự án PPP ra sao, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và NĐT thế nào; nếu cho cơ chế đặc thù với các dự án này thì liệu có mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống pháp luật của Việt Nam, xử lý mối quan hệ này thế nào…
Trước những băn khoăn của Việt Nam, GS. Akash Deep trấn an, PPP là cách tiếp cận đòi hỏi tư duy mới, vì vậy tất cả các quốc gia thành công với mô hình này đều phải qua quá trình vừa học hỏi vừa nghiên cứu. “Tôi thấy rất mừng vì Việt Nam đang cố sức mang lại cuộc cải cách mang tính thận trọng nhưng vẫn đảm bảo tính cấp thiết để có thể kịp thời triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng”, ông chia sẻ.
Cho rằng, một số dự án PPP ở Việt Nam không có kết quả tốt nếu so sánh với thông lệ tốt của quốc tế, GS. Akash Deep cũng khuyến nghị, phải thay đổi tư duy về đầu tư PPP từ việc chỉ tập trung xây dựng công trình như một tài sản tĩnh, chuyển sang tập trung vào cung cấp dịch vụ. Theo đó, người dân không chỉ cần một con đường thuần tuý mà phải an toàn. Người ta cũng không cần một con đường phải được đầu tư hàng trăm hay hàng triệu USD, mà là dịch vụ được cung cấp như thế nào và trải nghiệm chạy xe ra sao.
Với tầm nhìn đó, cơ quan xây dựng chính sách cần phải có sự dịch chuyển từ chỗ chỉ tập trung làm con đường là xong, sang việc đặt ra yêu cầu phải cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian dài, có thể là tới 40 năm. Như vậy, chẳng hạn khi làm con đường, thì bên tư nhân không phải là một DN đơn lẻ mà là một liên danh gồm DN chuyên xây dựng đường cùng với DN chuyên vận hành và DN chuyên dàn xếp tài chính. Trong các mô hình PPP mới, thường có nhiều bên đứng liên danh vừa làm đường, vừa vận hành, vừa bảo dưỡng và dàn xếp vốn.
Một yêu cầu khác đặt ra cho Luật PPP là tạo điều kiện và dư địa cho sáng tạo của khu vực tư nhân. Đặc biệt, trong lĩnh vực PPP thì những ý tưởng và giải pháp tốt nhất có được qua hợp tác công tư, vì vậy không nên quy định theo hướng Nhà nước chỉ đạo cụ thể phải làm gì hay không làm gì, mà cần khoảng trống cho các đề xuất, sáng tạo của khu vực tư nhân. Lấy ví dụ, bản chất mỗi lĩnh vực đầu tư khác nhau, hợp đồng PPP trong lĩnh vực nước khác lĩnh vực sân bay và luật phải cho phép tất cả các lĩnh vực đều được soạn thảo và thực thi. Bên cạnh đó, dưới cấp luật còn có nghị định và dưới nữa là hợp đồng mà khu vực công và tư sẽ thương thảo chi tiết trong hợp đồng này.
Tránh tạo gánh nặng cho NĐT
Nhấn mạnh rằng đầu tư theo hình thức PPP rất khó, GS. Akash Deep cảnh báo, nếu không có quá trình nâng cao nhận thức mà vẫn làm theo kiểu đầu tư công thì PPP thậm chí sẽ tệ hơn so với làm đầu tư công thuần túy. Điều này có liên quan đến cả vấn đề kiểm toán dự án PPP mà các cơ quan quản lý nhà nước đang rất lúng túng khi đặt ra quy định.
Bởi nếu như dự án đầu tư công xét đến tài sản hình thành thì dự án PPP còn xét đến cả vòng đời của cả dự án. Bên cạnh đó, dự án PPP thường đắt hơn bởi cái mua không phải chỉ là tài sản như tòa nhà mà còn là vòng đời của tài sản, tức các dịch vụ do tòa nhà mang lại. Do đó, nếu tòa nhà có giá 130 đồng thì đó không phải là chi phí thuần túy xây dựng tòa nhà mà còn bao gồm cả chi phí dịch vụ trong quá trình vận hành.
Từ đó, việc kiểm toán cần tránh tạo gánh nặng cho NĐT. Với các dự án PPP, việc kiểm toán chỉ nên chuyển sang kiểm toán dịch vụ, kiểm toán về độ an toàn chứ không phải là kiểm toán tài chính. Nói cách khác, kiểm toán không cần quan tâm bao nhiêu tiền để xây dựng công trình đó mà phải tập trung vào kiểm toán chất lượng dịch vụ do công trình đó mang lại.
Đánh giá về quy định quy mô vốn tối thiểu của dự án PPP theo dự thảo luật của Việt Nam, ông cho rằng mức sàn 200 tỷ đồng là hợp lý vì chi phí chuẩn bị cho dự án PPP là rất cao. Ngưỡng 200 tỷ đồng mà dự thảo luật đưa ra đã phản ánh được những thực tiễn thế giới và nó đang nằm ở phần thấp của ngưỡng khống chế quy mô dự án. Đồng thời khi thời gian thay đổi sẽ có thêm tích luỹ kinh nghiệm của khu vực công và tư nhân dẫn tới dự án hiệu quả hơn về sau. Vì vậy việc giữ mức ngưỡng quy mô dự án PPP là bước đi đúng đắn. Sau này khi thực hiện các dự án tiếp theo thì kinh nghiệm tích luỹ của Việt Nam cũng sẽ thay đổi.
Đối với lĩnh vực thực hiện dự án, ông cho biết các quốc gia hầu như không xác định các ngành cụ thể nào phải làm và nếu có thì danh mục dự án đưa ra hoàn toàn không hạn chế. Còn nếu luật chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, ví dụ như giao thông, thì sẽ mang lại nhiều rủi ro.