Tường minh cơ chế chia sẻ rủi ro để Luật PPP “sống” khỏe
Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư PPP | |
Dự Luật PPP: Cần khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro |
Cần huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng |
Vẫn dễ mặc cả, xin cho và lợi ích nhóm
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật PPP sáng ngày 19/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những “yêu cầu cùng lúc” mà luật này phải đạt được. Đó là phải làm sao vừa kiểm soát những rủi ro trong hoạt động đầu tư theo hình thức PPP; vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và không gây thiệt hại cho Nhà nước; đồng thời vẫn tạo ra được cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư (NĐT) tham gia... Trong đó, một trong những nội dung được bàn thảo nhiều nhất là cơ chế chia sẻ rủi ro, doanh thu giữa Nhà nước và NĐT.
Theo dự án Luật trình Quốc hội, Chính phủ cam kết chia sẻ với NĐT, DN dự án PPP không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng, trong khi NĐT, DN dự án PPP cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Điều kiện để Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu đối với dự án PPP là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khi cơ quan ký kết hợp đồng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp chia sẻ rủi ro như điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án.
Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần thiết quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro, tuy nhiên cần làm rõ một số vấn đề liên quan như tại sao chỉ áp dụng cơ chế này đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; căn cứ nào xác định mức chia sẻ trên; nguồn ở đâu để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế này (nguồn này có được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hay trích từ quỹ tích lũy trả nợ đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công...).
“Quy định như vậy theo tôi không công bằng, khó chấp nhận và không có mức cụ thể sẽ dẫn đến mặc cả, xin cho, gây tiêu cực và lợi ích nhóm”, Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhận định. Ông đề xuất: “Thứ nhất, về nguyên tắc chia sẻ phải công bằng, dễ chấp nhận nghĩa là hụt thu chia sẻ bao nhiêu % thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu %; Thứ hai, tỷ lệ chia sẻ phải quy định với mức cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Mỗi lĩnh vực đầu tư khác nhau có thể quy định mức chia sẻ có thể sẽ khác nhau; Thứ ba, Chính phủ cần chỉ rõ nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro cho NĐT, khi xảy ra thì lấy ở đâu và bằng nguồn nào?”.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) đề nghị luật cần quy định cụ thể nguồn kinh phí mà Nhà nước sẽ sử dụng để chia sẻ rủi ro và các trình tự thủ tục sử dụng nguồn vốn này. Bên cạnh đó, ngoài phương án đưa ra trong dự thảo thì cần thêm các phương án khác, như chọn tỷ lệ chia sẻ rủi ro theo tỷ lệ cơ cấu góp vốn chủ sở hữu của DN và vốn Nhà nước vào dự án, đồng thời chia sẻ rủi ro 50-50 đối với phần huy động hợp pháp khác.
Muốn thuyết phục, cơ chế phải rõ hơn
Đặc biệt quan tâm tới nguy cơ phần “hụt thu”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) nhấn mạnh, áp dụng cơ chế bảo đảm này thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình. Như thế nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt có thể gây những hệ lụy lớn cho ngân sách và quản lý ngoại hối về dài hạn. Do đó, để tránh bảo lãnh tràn lan, cần bổ sung các quy định để phòng ngừa và quản lý rủi ro khi Nhà nước cam kết bảo đảm đầu tư và chỉ giới hạn đối với đối tượng trong phạm vi các dự án lớn có tính lan tỏa thuộc những ngành nghề mà Nhà nước đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Đại biểu Toàn đề xuất: “Đối với cơ chế chia sẻ rủi ro phần hụt doanh thu, bên cạnh việc giới hạn về đối tượng cần quy định rõ chỉ thực hiện trong trường hợp do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng chưa lường được trong hợp đồng PPP, không áp dụng đối với trường hợp doanh thu do chủ quan, do năng lực yếu kém của NĐT”.
Cũng có một số đại biểu phân vân và cho rằng không nên có cơ chế này bởi dự thảo luật đã quy định rõ cơ chế đấu thầu dự án, cơ chế minh bạch, công khai thông tin dự án, cơ chế lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở các thông tin cung cấp, DN PPP đã tính toán kỹ, cân nhắc và tự nguyện tham gia.
“Theo tôi, chỉ nên buộc áp dụng cơ chế này trong những trường hợp khách quan như thiên tai hoặc chủ quan do cơ quan Nhà nước thay đổi về quy hoạch, thay đổi về pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ... Nhưng chỉ áp dụng ở mức doanh thu chênh lệch thấp hơn doanh thu tính toán ở một tỷ lệ nhất định và cần xác định rõ thời điểm, giai đoạn cấp bù, cách tính và thời giá”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu quan điểm.
Cá biệt, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, quy định (về cơ chế chia sẻ rủi ro) đưa ra trong dự thảo Luật là bất hợp lý. “Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu, vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế. Bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các NĐT bỏ giá thấp để trúng thầu, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế và luôn có lợi nhuận, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, tìm nhà thầu phù hợp, vi phạm nguyên tắc thị trường là “lời ăn, lỗ chịu””, đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu ý kiến.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ chế chia sẻ rủi ro là một vấn đề rất lớn và mới. Cơ chế này nhằm chia sẻ rủi ro cho các NĐT khi đầu tư các dự án công.
“Chúng ta phải xác định đây thuộc trách nhiệm Nhà nước, NĐT bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho Nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các NĐT thì các NĐT mới yên tâm để tham gia đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh: “Đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh. Mục tiêu của NĐT là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc này chúng ta cũng không áp dụng tràn lan. Chỉ một số ít dự án đặc biệt quan trọng và khi mà chúng ta không thể điều chỉnh thời hạn thì chúng ta mới thực hiện”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng muốn giải trình tiếp về vấn đề này và nhiều nội dung khác mà đại biểu thảo luận nhưng do vượt thời gian cho phép quá dài nên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã quyết định dừng nội dung thảo luận. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến và hoàn thiện dự thảo Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội để Quốc hội sẽ xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9.