Cần luật hóa quy định chặt chẽ hơn hoạt động môi giới bất động sản
Hơn 1.000 hội viên ưu tú tham dự Ngày hội Môi giới bất động sản 2022 Môi giới bất động sản làm gì để vượt bão? Chỉ còn khoảng 30% môi giới bất động sản đang hoạt động |
Cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. |
Bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới
Thị trường bất động sản ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng là thị trường chịu nhiều ảnh hưởng từ các quyết sách kinh tế vĩ mô của chính phủ, xu hướng đầu tư, tiêu dùng của người dân. Để thị trường bất động sản vận hành an toàn và minh bạch, vai trò của nhà môi giới bất động sản đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện nay có khoảng 200 nghìn người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40 nghìn người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, để người dân thật sự thấy yên tâm khi lựa chọn giao dịch qua môi giới, sàn giao dịch bất động sản thì cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới bất động sản chính thức tại các sàn giao dịch bất động sản.
Hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản phải đảm bảo chuyên nghiệp, kỹ năng hành nghề cao, năng lực hỗ trợ công việc phải đạt chuẩn, văn hóa đạo đức phải thành nguyên tắc không thể vi phạm...
“Để những nội dung trên thực sự đi vào cuộc sống, rất cần luật hóa với những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn, mạnh hơn về hoạt động của sàn giao dịch và môi giới bất động sản. Đặc biệt là quy định về vai trò, trách nhiệm của sàn giao dịch trong việc cung cấp thông tin, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch”, ông Đính khẳng định.
Tất cả những người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới. Chứng chỉ này sẽ được mã hóa, số hóa dưới hình thức thẻ hành nghề, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu để cơ quan nhà nước quản lý.
Người có thẻ sẽ là người giao dịch cuối cùng, xác nhận thông tin cần thiết tư vấn cho khách hàng; mã thẻ sử dụng khi ký hợp đồng sẽ là căn cứ để đánh giá trách nhiệm liên đới khi giao dịch xảy ra vấn đề và như vậy người hành nghề bắt buộc hoạt động nghiêm túc, có uy tín.
Nâng cao vai trò của hội chuyên môn trong đào tạo chứng chỉ hành nghề
Bên cạnh đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng sẽ rất khó để thực thi những vấn đề nêu trên nếu chỉ có sự quản lý trực tiếp của Nhà nước. Do đó, để việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản thực sự hiệu quả, tiết kiệm ngân sách quốc gia, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị rất cần thiết phải rà soát lại, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề; mạnh dạn bổ sung vào Luật Kinh doanh Bất động sản các quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về bất động sản và môi giới bất động sản. Điều này không chỉ giúp Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường bất động sản, tiết kiệm ngân sách quốc gia mà còn rất phù hợp với chuẩn mực pháp luật của nhiều quốc gia.
Thực tế trên thế giới, rất nhiều nước có hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến các hoạt động môi giới: Hàn Quốc có Luật cấp phép hành nghề môi giới bất động sản, Úc và Newzealand có Luật môi giới bất động sản, Mỹ thì có luật về cấp phép hành nghề bất động sản.
Trong đó, khá nhiều nước đã quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các điều luật. Thậm chí ở một số nước, Hiệp hội ngành nghề còn là đơn vị cấp chứng chỉ môi giới bất động sản. Ví dụ như ở Anh Quốc, thẻ hành nghề môi giới bất động sản được cấp bởi Hiệp hội Bất động sản (National Association of Estate Agents - NAEA), còn tại ở Úc là do các tổ chức đào tạo của Hiệp hội ANTA.
Hiện đã có rất nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp của các ngành nghề được quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong các điều luật. Các tổ chức này đã đóng góp rất lớn vào việc phát triển ngành nghề và công tác quản lý xã hội của nhà nước như: Luật Du lịch, Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Chứng khoán,...
Trong khi đó, Luật Kinh doanh Bất động sản có cả 1 chương, mục liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản nhưng lại chưa có quy định tổ chức nào là đầu mối để hỗ trợ Nhà nước kiểm soát các đối tượng này.
Theo ông Đính, các hội nghề nghiệp nên là nơi có tiếng nói cao nhất về chuyên môn, ban hành quy tắc đạo đức, ứng xử hành nghề; chuẩn hóa tiêu chuẩn, kỹ năng nghiệp vụ hành nghề, chứng nhận năng lực nghề nghiệp, tổ chức hệ thống đào tạo đạt chuẩn và xây dựng hệ thống định danh, mã hóa để quản lý, hỗ trợ hành nghề.
Thực tế hiện nay, mặc dù chưa được quy định rõ trong luật nhưng các tổ chức xã hội nghề nghiệp về bất động sản và môi giới bất động sản đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Với ưu thế kết nối hàng nghìn sàn giao dịch bất động sản trên cả nước, VARS có cơ hội nắm bắt tốt nhất các dữ liệu thông tin và xu hướng của thị trường bất động sản Việt Nam.
Những thông tin do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổng hợp, phân tích vì vậy bám sát tình hình thị trường, đảm bảo được chất lượng dữ liệu tối ưu. Những thông tin này không chỉ được đón nhận bởi giới báo chí mà còn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, các khách hàng, nhà môi giới, nhà đầu tư, bộ, ngành liên quan.