CEO HSBC Việt Nam: Tăng trưởng GDP vượt trội, nhưng thách thức cũng lớn hơn
Ông Tim Evans |
Ông đánh giá thế nào diễn biến kinh tế Việt Nam đến nay, dự báo và nhận diện những thách thức lớn thời gian tới là gì?
Trong bối cảnh đầy thách thức, nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay ở mức 8,83%, đây là một thành tích nổi bật so với bất kỳ nền kinh tế nào ở châu Á, thậm chí là trên thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam phải đối đầu không ít thách thức, và không chỉ riêng Việt Nam, khó khăn đang xảy ra trên toàn cầu, như áp lực lạm phát không chỉ liên quan đến Việt Nam mà thực tế đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Ở một số thị trường lớn, lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 40 năm, còn Việt Nam vẫn ở mức dưới 4%.
Xét mọi yếu tố, Việt Nam đã có kết quả tốt trong 9 tháng đầu năm. Liệu quý IV có giảm tốc? Hiển nhiên, nền kinh tế quý IV sẽ chậm lại do tác động từ những gì đang xảy ra tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, với lãi suất tăng cao đáng kể và nguy cơ suy thoái ở châu Âu, Anh và Mỹ… khiến niềm tin của người tiêu dùng ở những thị trường này không còn được như trước, chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm đi, trong khi Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách Zero COVID…
Vì thế, chúng tôi dự báo nền kinh tế sẽ chậm lại trong quý IV và Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 7,6% trong cả năm nay, với lạm phát tăng khoảng 3,4%. Đây là một kết quả rất tích cực, vượt trội nếu chúng ta đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định hiện nay.
Trong bối cảnh bất định bên ngoài vẫn không ngừng gia tăng đó, ông bình luận gì về quyết định tăng lãi suất của NHNN vừa qua?
Theo quan điểm của tôi, NHNN đã luôn làm tốt, hành động rất kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn COVID, ví dụ với như Thông tư 01. Gần đây, NHNN phải tiếp tục tăng lãi suất bởi vì chúng ta đã thấy tất cả các chính phủ, NHTW trên toàn thế giới đều đã và đang phải hành động như vậy và hành động rất mạnh mẽ để đối phó với lạm phát.
Nhưng, Việt Nam không tăng lãi suất nhiều như các thị trường khác, NHNN đã làm theo cách cẩn trọng và tôi tin đây là những việc cần làm trong ngắn hạn để đối phó với những thách thức, trong đó có áp lực lạm phát.
Điều tôi hy vọng là toàn cầu sẽ có thể vượt qua giai đoạn lạm phát cao hiện nay trong khoảng 6-9 tháng hoặc 12 tháng tới. Khi đó, chúng ta có thể nhìn thấy các chính sách kinh tế thông thường sẽ quay trở lại.
Năm 2022, tăng trưởng cao hơn trong khi lạm phát vẫn giữ được như mục tiêu đặt ra, nhưng rõ ràng những rủi ro cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên thực tế. Theo ông, những yếu tố nào sẽ giúp tăng bộ đệm của nền kinh tế, chống chọi với các cú sốc, bất định bên ngoài có thể xảy ra trong năm tới?
Tôi nghĩ rằng năm 2023 sẽ có nhiều thách thức hơn so với năm 2022. Một trong những nguyên nhân là chi tiêu tiêu dùng của phương Tây sẽ giảm sút hơn nữa. Ví dụ, chúng ta đã thấy sự sụt giảm trong ngành hàng điện tử - ngành thường đóng góp 20-25% GDP của Việt Nam. Trong giai đoạn giãn cách xã hội vì COVID trước đây, người tiêu dùng đã mua điện thoại, tivi, máy tính xách tay mới… và giờ thì nhu cầu mua mới giảm xuống. Với sự sụt giảm và chậm lại của ngành hàng điện tử, chúng tôi nhận thấy Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, lạm phát tiếp tục là một thách thức. Chúng ta tiếp tục thấy các nước phương Tây tăng mạnh lãi suất và hầu hết các nước đều đã và sẽ tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Điều đó đồng nghĩa với chi phí vốn nợ sẽ tiếp tục tăng, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm. Đây cũng là một trong những cơ sở để chúng tôi dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm sau sẽ chỉ đạt 6% - mức thấp hơn đáng kể so với năm nay, dù vẫn cao hơn nhiều so với các thị trường khác.
Có được điều này là bởi Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận FDI, sản xuất hàng hóa ở Việt Nam rồi đem đi xuất khẩu ra nước ngoài mà nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã mở rộng hơn nhiều. Việt Nam có khu vực kinh tế nội địa với một tầng lớp trung lưu đang không ngừng gia tăng và chi tiêu nhiều hơn, vì vậy câu chuyện tiêu dùng nội địa cũng đang ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam. Điều đó có thể tạo ra gối đệm giúp giảm chấn cho Việt Nam trước những gì xảy ra ở bên ngoài.
Hay ngành du lịch hiện chưa hoàn toàn phục hồi và tôi cho rằng Việt Nam sẽ không sớm trở lại được mốc 20 triệu du khách quốc tế. Tuy nhiên, hy vọng lượng khách đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm sau, nhờ đó hỗ trợ mảng nhà hàng, khách sạn, lĩnh vực bán lẻ… và đây cũng là một yếu tố góp phần giúp Việt Nam xây dựng gối đệm vững chắc hơn trước.
Tóm lược các chỉ số kinh tế chính gần đây (Nguồn: CEIC, HSBC)
Tháng 8/2022 | Tháng 9/2022 | Tháng 10/2022 | |
PMI | 52,7 | 52,5 | 50,6 |
Xuất khẩu (% so với cùng kỳ năm) | 27,8 | 9,9 | 4,5 |
Nhập khẩu (% so với cùng kỳ năm) | 12,8 | 4,9 | 7,1 |
CPI (% so với cùng kỳ năm) | 2,9 | 3,9 | 4,3 |
Sản xuất công nghiệp (% so với cùng kỳ năm) | 34,7 | 25,3 | 20,6 |
Nhân nói về FDI, xin cho biết nhận định của ông về vấn đề dòng vốn FDI vào Việt Nam tới đây như thế nào, nhất là trong bối cảnh vốn đăng ký FDI vào Việt Nam cho đến thời điểm này giảm mạnh so với cùng kỳ?
Tôi cho rằng chúng ta nên nhìn nhận, xem xét rất cẩn thận các số liệu về FDI. Bởi nếu nhìn vào số liệu FDI và so sánh đơn thuần thì đúng là có sụt giảm. Nhưng năm ngoái, có khoảng 4,4 tỷ USD đầu tư vào 2 nhà máy điện. Điều đó khiến số liệu khó đánh giá hơn. Tức là các khoản FDI rất lớn đó không phải thường thấy trong FDI thông thường. Như vậy, nếu như chúng ta loại bỏ những dự án lớn không phải thường xuyên đó sang một bên thì sẽ thấy FDI vẫn tăng trưởng. Hơn nữa, FDI không phải lúc nào cũng chỉ tăng trưởng theo đường đi lên mà sẽ có những lúc gấp khúc, gập ghềnh. Nhưng xét về lâu dài, tôi tin xu hướng FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực.
Tôi nghĩ rằng trên toàn cầu, niềm tin đối với các nền kinh tế, với môi trường kinh doanh đều đang giảm xuống so với ba tháng trước, chủ yếu là do tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay chứ không phải vì tình hình ở Việt Nam.
HSBC có mặt tại 63 quốc gia và khi tôi trao đổi với đồng nghiệp ở nước khác, họ nói rằng đúng là tình hình có khó khăn nhưng ít ra là ở Việt Nam thì tình hình cũng đỡ khó khăn hơn các nơi khác. Và đáng chú ý là hầu hết khách hàng của HSBC trong trao đổi với chúng tôi cho biết vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, có thể là sản xuất để xuất khẩu hoặc để bán hàng hóa cho người tiêu dùng Việt Nam.
Gần đây, Apple hay một vài tập đoàn công nghệ đang đẩy mạnh kế hoạch đầu tư vào Việt Nam; Lego mới đây cũng đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy bền vững ở miền Nam… Và nếu nhìn vào bức trang FDI chung, chúng ta thấy FDI từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… vẫn đổ vào đây. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn có một câu chuyện mạnh mẽ để lan tỏa, vẫn có vị thế tốt hơn nhiều thị trường khác.
Tất nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều việc cần làm để duy trì sự cạnh tranh, trong đó các lĩnh vực cần tập trung cải thiện là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nâng cao tay nghề cho người lao động, cải cách và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính.
Xin cảm ơn ông!
Báo cáo Vietnam At A Glance tháng 11/2022 của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định, quý IV/2022 đã khởi đầu không mấy mạnh mẽ, với các chỉ số kinh tế tháng 10 ghi nhận suy giảm nhẹ. Điều đó không gây ngạc nhiên bởi bối cảnh thế giới chậm lại và độ mở về xuất khẩu của Việt Nam. Rủi ro cho nền kinh tế vẫn còn tiếp tục và NHNN đã có động thái mạnh mẽ trong hoạt động điều hành để kiểm soát biến động tiền tệ và áp lực lạm phát. Phù hợp với những dự báo của HSBC, NHNN đã tăng lãi suất tái cấp vốn 100 điểm cơ bản lên 6,0% có hiệu lực từ 25/10. “Chúng tôi dự báo NHNN sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản trong quý I và quý II/2023, nâng lãi suất điều hành lên 7,0% vào giữa năm 2023”, báo cáo cho biết. |