Chia sẻ rủi ro PPP đã rõ nhưng chưa đủ
Hạ tầng bền vững cần Luật PPP hiệu quả | |
Cần đổi mới tư duy về PPP |
Ảnh minh họa |
Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, các thành viên Amcham rất sẵn sàng đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Tuy nhiên họ đang chờ một hướng tiếp cận cân bằng hơn đối với các chính sách trong lĩnh vực này để có thể rót vốn.
Amcham khuyến nghị hệ thống cảng và sân bay nên được xây dựng nhiều hơn song không nên quá gần đến mức góp phần gây ra tắc nghẽn giao thông do xu hướng đô thị hoá ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, các DN Hoa Kỳ cũng bày tỏ sẵn sàng đầu tư làm thông thoáng hệ thống cảng và sử dụng hiệu quả các cảng nước sâu; dịch vụ hàng không chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng hàng không; cơ sở hạ tầng thành phố thông minh; cơ sở hạ tầng dịch vụ y tế.
Đánh giá về dự thảo Luật PPP, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng thuộc Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cho biết đã có bước tiến bộ lớn khi cho phép cơ quan Nhà nước ký hợp đồng dự án đặt ra nhiều điều khoản để chia sẻ rủi ro với NĐT. Tuy nhiên, các điều khoản này chỉ được giới hạn đối với một số dự án rất quan trọng, các dự án được phê chuẩn bởi Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ. Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng cho rằng, với quy định như vậy thì tính hữu ích của sự linh hoạt này cũng bị giới hạn theo. Vì vậy, không nên giới hạn cứng nhắc về mức bảo lãnh có thể được cấp.
Nhóm này cũng đề xuất, các dự án trong các lĩnh vực mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực bền vững hơn, như dự án điện khí (gas-fired power) hoặc dự án điện khí hóa lỏng (LNG to-power) cần được khuyến khích và phải nhận được các bảo lãnh tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho rằng việc thực hiện tích cực các cơ chế PPP sẽ hữu ích trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, từ đó khuyến khích mạnh hơn các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bởi hiện nay chất lượng cơ sở hạ tầng còn hạn chế cũng là một trong những nút thắt đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đối với các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Nhật Bản, để tham gia vào dự án PPP ở Việt Nam, điều quan trọng là phải làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ, các NĐT, và các tổ chức tài chính sao cho không để xảy ra rủi ro không đáng có cho các NĐT và tổ chức tài chính.
Khuyến nghị của JCCI tập trung vào 4 vấn đề. Thứ nhất, về luật điều chỉnh, JCCI cho biết không phản đối việc áp dụng luật Việt Nam làm nguyên tắc để thúc đẩy các dự án. Tuy nhiên việc đạt được thoả thuận giữa các bên và việc áp dụng luật pháp nước ngoài nên phụ thuộc vào từng dự án.
Thứ hai, bảo lãnh của Chính phủ cần được cung cấp nhằm tránh gánh nặng rủi ro quá mức cho các DN tư nhân.
Thứ ba, về góp vốn của nhà nước, cần xây dựng cơ chế để đảm bảo rằng ngân quỹ của chính phủ có độ tin cậy cao và linh hoạt hơn.
Thứ tư, có thể sớm chấm dứt dự án PPP nếu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên ký hợp đồng, các NĐT, các pháp nhân của dự án bị ảnh hưởng đáng kể do tình trạng không đủ điều kiện; sau đó Chính phủ có thể mua lại dự án này.
“Nếu những điểm này không được làm sáng tỏ, ngay cả khi Luật PPP ban hành, cũng rất khó để các công ty nước ngoài tham gia vào dự án PPP”, ông khẳng định.
Hiệp hội DN Ấn Độ tại Việt Nam (Incham) đặt ra lo ngại về quy định quy mô vốn đầu tư tối thiểu. Theo dự thảo Luật PPP, vốn đầu tư tối thiểu của dự án PPP được quy định ở mức 200 tỷ đồng, tương đương 8,7 triệu USD, nhằm ngăn chặn các gói đầu tư mỏng dẫn đến hiệu quả thấp.
Quy định này đặt ra câu hỏi làm thế nào các dự án dưới 200 tỷ đồng có thể được thực hiện theo hình thức PPP. Trong thực tế, các dự án nằm dưới ngưỡng bị cắt là rất thấp (khoảng 30% theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Tuy nhiên, nhiều dự án quy mô nhỏ về y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và giáo dục… so tổng vốn đầu tư dưới 200 tỷ đồng, nhưng vẫn thuộc các ngành được khuyến khích vì giá trị gia tăng của dự án đối với xã hội.
Vì vậy, cũng cần có cơ sở pháp lý phù hợp để điều chỉnh các dự án này theo hình thức PPP. Incham khuyến nghị Chính phủ có thể xem xét ban hành một nghị định hướng dẫn với các quy định tương tự nhưng đơn giản hơn Luật PPP đối với các dự án quy mô nhỏ như vậy.