Hạ tầng bền vững cần Luật PPP hiệu quả
Cần đổi mới tư duy về PPP | |
Không “phó mặc” dự án PPP cho nhà đầu tư |
Cần huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng |
Kỳ vọng Luật PPP tạo ra những điều kiện phù hợp
Điều này một lần nữa được các chuyên gia nêu ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2019 (VBF 2019) tổ chức tại Hà Nội vào tuần trước. Theo bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), hiện nay, CSHT là một trong các yếu tố hạn chế sự phát triển kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng bền vững tại Việt Nam phụ thuộc vào đầu tư vào CSHT và việc huy động vốn cần thiết cho CSHT đòi hỏi sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ cần thiết lập một mô hình PPP hiệu quả để cho phép đầu tư tư nhân vào các dự án CSHT.
Trong khi theo Nhóm Công tác CSHT của VBF, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giới thiệu, sửa đổi và cải thiện khung pháp lý cho mô hình PPP. Trong đó, nỗ lực lớn nhất chính là việc Dự thảo Luật PPP đã được trình ra Quốc hội trong năm 2019 và dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay với kỳ vọng sẽ đáp ứng được “các điều kiện phù hợp” để thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào CSHT. Mấu chốt đặt ra lúc này là trong khoảng thời gian rất ngắn sắp tới, Dự thảo luật cần tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện để đảm bảo khi được phê chuẩn thành luật và thực thi sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.
Nhóm Công tác CSHT của VBF cho rằng, để đảm bảo minh bạch, hiệu quả và bền vững, Dự thảo luật còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục tiếp thu, sửa đổi và làm rõ trước khi được Quốc hội thông qua. Trong đó, nổi lên là các vấn đề liên quan đến tính linh hoạt; hướng xử lý đối với các thay đổi pháp luật hay vấn đề bảo lãnh và cơ chế chia sẻ rủi ro.
Cụ thể, một trong các nguyên nhân khiến quy trình hợp tác đầu tư theo PPP thường bị bế tắc là do có quá nhiều quy định về mặt thủ tục, do đó Luật PPP cần hướng đến tính linh hoạt. Theo đó, luật cần quy định các nguyên tắc chung, còn những quy định chi tiết về quy trình thủ tục mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tuân thủ trong việc thẩm định, đánh giá và lựa chọn NĐT đã lập và trình đề xuất dự án nên để cho các nghị định và thông tư quy định cụ thể theo lĩnh vực. Bởi các thông tư có thể được xây dựng và sửa đổi bởi bộ ban hành theo một quá trình nhanh và hiệu quả hơn so với việc sửa đổi một luật. Nhờ đó, các thông tư có thể đáp ứng dễ dàng hơn các thay đổi về thị trường.
Sáng tỏ cơ chế chia sẻ rủi ro
Việt Nam có một nền kinh tế năng động với những thay đổi thường xuyên diễn ra, trong đó có cả các thay đổi về pháp luật. Đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh thông thường, các NĐT có thể đáp ứng các thay đổi này bằng cách điều chỉnh đầu vào và đầu ra của hoạt động kinh doanh khi cần thiết. Tuy nhiên với một dự án CSHT mà đầu vào hầu như cố định và doanh thu được ấn định trước trong một thời hạn dài, việc điều chỉnh đó gần như không thể.
Do vậy, việc tăng chi phí do sự thay đổi pháp luật bất lợi cần phải được tính vào giá sản phẩm hoặc dịch vụ của dự án PPP mà các NĐT tư nhân đã tham gia đầu tư để đảm bảo về mặt kinh tế. Ngược lại, các NĐT sẽ phải chia sẻ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bất kỳ quyền lợi hoặc lợi ích nào có được từ việc giảm chi phí do thay đổi pháp luật theo hướng có lợi hơn.
Vì lẽ đó, một cơ chế bảo đảm cho NĐT khi có thay đổi pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết các yếu tố thương mại và thị trường và bảo đảm hiệu quả chi phí và khả năng dự báo về sản phẩm hoặc dịch vụ của các dự án PPP. Cơ chế này hiện chưa được thể hiện rõ ràng trong Dự thảo Luật PPP, do đó cần có một điều khoản cho phép vấn đề này có thể được thảo luận trong hợp đồng dự án.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải làm rõ được cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ, các NĐT, và các tổ chức tài chính để tránh được những rủi ro có thể phát sinh sau này. Đại diện các hiệp hội DN nước ngoài và Nhóm Công tác CSHT kiến nghị, về phía Nhà nước, các bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ với các rủi ro cụ thể nếu được thực hiện một cách hợp lý vẫn rất cần thiết để đảm bảo một dự án sẽ huy động được vốn.
Ví dụ, nếu NĐT quan ngại về khả năng thanh toán của EVN nhưng Chính phủ tin tưởng vào năng lực tài chính của EVN thì bảo lãnh có thể giải quyết quan ngại đó với mức ít tốn kém cho Chính phủ. Hay nếu một dự án đường bộ theo hình thức PPP quan ngại về lượng người, phương tiện sử dụng không như dự kiến thì rủi ro cụ thể đó có thể được giải quyết thông qua một bảo lãnh doanh thu tối thiểu.
Do đó, luật PPP cần cho phép Chính phủ có sự linh hoạt trong việc cấp bảo lãnh để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ của các DNNN cũng như các DNNN đã cổ phần hóa nhưng Nhà Nước vẫn giữ quyền kiểm soát đa số và có vị trí độc quyền/thống lĩnh thị trường trong việc cung ứng nguyên liệu hoặc thị trường bao tiêu sản phẩm.
Về cơ chế chia sẻ rủi ro - doanh thu, hiện Dự thảo Luật PPP cho phép cơ quan Nhà nước ký hợp đồng dự án thỏa thuận việc tăng giá hoặc phí dịch vụ hoặc gia hạn thời hạn vận hành của dự án (nếu doanh thu thực tế mà dự án thu được thấp hơn doanh thu theo mô hình tài chính đã thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền). Nếu các điều chỉnh đó chưa đủ để bù đắp các chi phí hoạt động của dự án, Chính phủ có thể xem xét thanh toán đến 50% khoản chênh lệch giữa doanh thu thực tế của dự án và số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền. Tuy nhiên điều này chỉ được giới hạn đối với một số dự án rất quan trọng – các dự án được phê chuẩn bởi Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ. Do vậy tính hữu ích của sự linh hoạt này cũng bị giới hạn theo.
Cũng theo Nhóm Công tác CSHT, không nên giới hạn cứng nhắc về mức bảo lãnh có thể được cấp. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần được phép đề xuất mức bảo lãnh cần thiết cho một dự án cụ thể theo nhu cầu và tính chất của các dự án đó. Các dự án trong các lĩnh vực mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực bền vững hơn cần được khuyến khích và nhận được các bảo lãnh tốt hơn.