Công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được ưu đãi lãi vay
Liên kết tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ | |
Tăng cường kết nối trong công nghiệp hỗ trợ | |
Doanh nghiệp FDI vẫn khó tìm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ |
Ưu tiên các ngành chủ lực
Sở Công Thương TP.HCM đang được giao soạn thảo và lấy ý kiến các sở, ban, ngành về Nghị quyết của HĐND TP.HCM quy định về chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2023-2027 tại địa phương. Nếu thuận lợi trong việc lấy ý kiến và hoàn thiện các quy định để ban hành, Nghị quyết này sẽ được trình UBND và HĐND TP.HCM ký ban hành vào đầu quý III/2023.
Đề dẫn những mục tiêu chính của chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư phát triển CNHT, Sở Công thương TP.HCM nhận định rằng, mặc dù từ năm 2015 đến nay, TP.HCM đã có khá nhiều chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp và các dự án công nghiệp hỗ trợ vẫn khá hạn chế. Hiện mới chỉ có khoảng trên 30 dự án đầu tư công nghiệp hỗ trợ của 28 doanh nghiệp được phê duyệt với tổng mức vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng. Trong đó, số vốn được ngân sách TP.HCM hỗ trợ một phần lãi suất vay NHTM là khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong số này, hiện chỉ còn 23 dự án đang triển khai, trong đó có 9 dự án chưa được phân nguồn vốn và cấp bù lãi vay. Các dự án còn lại hoặc đã hết thời gian hỗ trợ hoặc đã xin dừng tham gia chương trình hoặc gặp khó khăn về pháp lý đầu tư chưa thực hiện được.
Nhiều DN sản xuất linh kiện điện tử đã tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi lãi suất |
Để tháo gỡ nút thắt hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TP.HCM đang tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ theo hướng ưu tiên hỗ trợ theo chiều sâu. Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên (bao gồm: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện, chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng điện tử - công nghệ thông tin, sản phẩm từ cao su - nhựa, dệt may, da giày). Mức vốn vay dự kiến được hỗ trợ lãi vay trong giai đoạn 2023-2027 là khoảng dưới 85% (đối với phần vốn đầu tư thiết bị, công nghệ và các phần mềm chuyên dùng).
Theo nhận định của Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết, nếu chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ sớm được ban hành có thể sẽ tạo ra nguồn vốn mồi khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng nhà xưởng, đổi mới máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ để đáp ứng yêu cầu của các đối tác FDI, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn và hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, lan tỏa đến các đô thị vệ tinh xung quanh TP.HCM.
Ngân hàng chủ động đồng hành
Về phía ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, hoạt động hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng và các ngành, nghề lĩnh vực ưu tiên nói chung hiện nay được xem là mục tiêu trọng tâm của hệ thống TCTD trên địa bàn.
Để cụ thể hóa những mục tiêu đó, từ đầu năm đến nay NHNN chi nhánh TP.HCM đã liên tục phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và chính quyền các quận, huyện, TP. Thủ Đức tổ chức các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã đăng ký chương trình tín dụng quy mô 453.070 tỷ đồng theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023. Đến nay các ngân hàng đã giải ngân được khoảng 29.900 tỷ đồng cho 14.000 khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng có hội sở trên địa bàn TP.HCM cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất với tổng giá trị 87.600 tỷ đồng và 100 triệu USD cho vay doanh nghiệp.
Từ đầu năm, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã chỉ đạo hệ thống TCTD trên địa bàn thực hiện tốt các cơ chế chính sách về tín dụng, lãi suất của NHNN để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi nguồn vốn vay, nhất là vay ngắn hạn đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp xuất khẩu; doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với lãi suất ưu đãi theo đúng quy định của NHNN Việt Nam.
Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của UBND TP.HCM về phối hợp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN chi nhánh TP.HCM, Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đến năm 2025. Trong đó, ngành Ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, từ đó thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng ưu đãi như cam kết từ các TCTD, cũng như tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục, hồ sơ nhằm giảm bớt thời gian giao dịch để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với chi phí hợp lý nhất.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM trong các năm vừa qua, để phối hợp triển khai chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020 (ngân sách TP.HCM hỗ trợ lãi suất), NHNN đã chỉ đạo hệ thống NHTM trên địa bàn cho vay đối với 23 dự án của doanh nghiệp. Theo báo cáo của các TCTD, tổng dư nợ cho vay chương trình này đạt khoảng 1.338,1 tỷ đồng. Các dự án vay vốn chủ yếu thuộc lĩnh vực cơ khí, nhựa - cao su và lương thực - thực phẩm. Thông qua chương trình, một số doanh nghiệp đã sản xuất được các linh kiện, chi tiết với trình độ kỹ thuật và độ chính xác cao, tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI lớn. Chẳng hạn, CTCP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Công ty TNHH Điện tử Samsung; Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành sản xuất, cung ứng các chi tiết nhựa cho Công ty TNHH Toyota Việt Nam, Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu cung ứng nguyên liệu cho McDonald. Ngoài cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cũng theo NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 2/2023, hệ thống TCTD tại TP.HCM cũng đã cho vay ưu đãi lãi suất không quá 5% đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên khoảng 190.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có dư nợ cho vay đạt khoảng 1.760 tỷ đồng. |