Làm sao đưa nông sản tới người dân vùng dịch
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản | |
Khẩn trương thiết lập các “vùng xanh” sản xuất, lưu thông hàng hóa | |
Chung tay thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp |
Nhiều nơi đang cần hỗ trợ nông sản
Đại dịch Covid-19 đang khiến nông sản bị ứ đọng hàng triệu tấn. Nhưng ở những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, nhất là TP.Hồ Chí Minh thì nhiều người lại đang rất khó có được rau quả cho bữa ăn hàng ngày.
Trong báo cáo mới nhất gửi tới Phó Thủ tướng Lê Minh Thành, Tổ công tác cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn rất dồi dào và đang dư thừa.
Sau khi cung cấp đáp ứng nhu cầu cho vùng Đông Nam bộ thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo, và còn gần 1.500 ngàn tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ.
Tổ công tác đảm bảo cung ứng cho người dân thành phố trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội |
“Trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch khi có gần 400 ngàn tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và gần 1.300 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12/2021 nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn”, Tổ công tác báo cáo.
Cùng với đó, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng. Trong đó nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm rất tốt, và mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhìn tổng thể, nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm vẫn dồi dào. Nhưng vấn đề là làm sao đưa nông sản, thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Theo khảo sát của Tổ công tác, tổng nhu cầu về thịt tại 3 địa phương đang bị tác động nặng nề của dịch Covid-19 nặng là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai là 67.900 tấn/tháng (TP.HCM: 48.000 tấn/tháng; Bình Dương 8.800 tấn/tháng; Đồng Nai: 11.100 tấn/tháng).
Trong khi đó, tổng sản lượng cung ứng thịt của các tỉnh Nam bộ là 200.000 tấn/tháng, trong đó Đồng Nai 30.000 tấn/tháng (lợn, gà, vịt); Bình Dương 14.000 tấn/tháng (lợn, gà); Bình Phước, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh 15.000 tấn/tháng…
Như vậy, xét về năng lực tự cung ứng, TP.HCM rất cần sự bổ trợ nông sản, thực phẩm từ các địa phương khác hiện đang dồn ứ. Tại TP.HCM, với dân số khoảng 10 triệu người, thành phố chỉ mới tự cung cấp khoảng 10% nhu cầu thịt các loại và dưới 5% nhu cầu trứng do hiện nay, các chợ đầu mối, chợ truyền thống ngưng hoạt động, các cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm từ thịt cũng giảm công suất.
Tại tỉnh Bình Dương, với năng lực sản xuất hiện tại, Bình Dương đảm bảo khả năng cung ứng thịt các loại nhưng thiếu khoảng 64.000 quả trứng gia cầm/ngày.
Gói combo 10kg nông sản
Như vậy, rất cần có sự điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu, nhất là cung ứng cho TP.HCM và Bình Dương và các tỉnh miền Đông Nam bộ, tránh để tình trạng ở những nơi này hàng thiếu, giá cao, thậm chí ở TP.Hồ Chí Minh có nơi không mua được rau ăn, còn ở nơi trồng thì giá rẻ, rau củ quả dư thừa.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để chuẩn bị cho việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội tại TP.HCM từ ngày 23/8 đến 6/9/2021, ngày 21/8/2021, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về việc đảm bảo cung ứng và phân phối cho người dân thành phố.
Lãnh đạo UBND TP.HCM đã cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân.
Tổ công tác 970 đã phối hợp với Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng xây dựng phương án, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, rau củ, quả, đảm bảo cung ứng cho người dân thành phố trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Để kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, Sở NN&PTNT các tỉnh Nam bộ thành lập các Tổ công tại địa phương, phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT.
Sau một thời gian kết nối, đến nay đã có tổng 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970, trong đó có 334 đầu mối rau củ và 316 đầu mối trái cây, 438 đầu mối thủy, hải sản, 75 đầu mối lương thực và 55 đầu mối các mặt hàng khác.
Tổ công tác đang thí điểm chương trình gói combo 10kg/túi nông sản, được nhiều tỉnh, thành tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ tại địa phương và giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ bình quân 10.000 đ/kg.
Theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về TP.HCM là 80.000 túi/tuần (10kg/túi = 800 tấn)/tuần. Nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cấp của 1.200 đầu mối theo hình thức combo 10kg/túi có khả năng lên 120.000-150.000 túi/tuần = 1.200 - 1.500 tấn/tuần.
Chương trình này nhằm thích ứng lâu dài với ảnh hưởng của dịch Covid-19, có tính bền vững cao hơn các siêu thị 0 đồng hay các chương trình từ thiện.
Chương trình này vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các vùng thừa ứ, bổ sung thực phẩm cho những vùng thiếu hụt nông sản bởi giãn cách xã hội. Đây là nỗ lực của Tổ công tác, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì chỉ đạt được một phần rất nhỏ.
Chưa cần giảm xuất khẩu
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo, và an ninh lương thực lại một lần nữa đặt ra. Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh nhập khẩu.
Với nguồn cung dồi dào và có dư thừa, Việt Nam có nên xuất khẩu nhiều hơn, hay cần tăng dự trữ?
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, tổng sản lượng lúa gạo của Việt Nam đạt khoảng 43,3 triệu tấn, ngoài đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, cất trữ giống, chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến trong nước, sản lượng gạo còn dư từ 6-6,5 triệu tấn để phục vụ xuất khẩu.
Sản lượng thịt xẻ các loại đạt trên 6 triệu tấn, sữa tươi 2,5 triệu tấn, trứng gia cầm 15 tỷ quả; sản lượng thủy sản khoảng 8-9 triệu tấn... hoàn toàn đủ năng lực đảm bảo tiêu dùng và đáp ứng vấn đề an ninh lương thực.
Tổng sản lượng xuất khẩu các năm trước của Việt Nam vào khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo; 8-8,5 triệu tấn thủy sản; 3,3 triệu tấn rau quả/năm.
Vậy có nên duy trì mức xuất khẩu này hay cần dự phòng nếu không may tình huống xấu hơn xảy ra?
Từ góc độ vĩ mô, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng hiện tại chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn hàng nên chưa cần vội vã giảm xuất khẩu tăng dự trữ và tồn kho, mà ngược lại cần có chiến lược cạnh tranh để mở rộng thị trường thay đổi vị thế so với đối thủ. Giảm xuất khẩu sẽ dễ bị mất thị trường.
“Việc quan trọng nhất là cần sớm kiểm soát dịch bệnh để tránh rơi vào trạng thái thiếu hụt hay bất ổn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường cả trong và ngoài nước” - PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nói.
Còn về phần mình, quan điểm của Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ông Nguyễn Như Cường là chỉ nên dừng xuất khẩu khi nguồn cung trong nước giảm, không đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Trên tổng thể nguồn cung dồi dào, dư thừa nên càng khuyến khích xuất khẩu. Tăng cường xuất khẩu gạo sẽ hỗ trợ tiêu thụ lúa cho dân được tốt hơn, giúp giá lúa giữ ổn định, do vậy sẽ kích thích nông dân đẩy mạnh sản xuất, tạo nguồn cung dồi dào hơn, theo ông Cường.
Từ góc độ vi mô, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An Cần Thơ) phát biểu: “Càng trong đại dịch càng phải chú trọng sản xuất, trồng lúa đi đôi với xuất khẩu gạo để ngành hàng lúa, gạo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Ngành hàng lúa gạo kinh doanh thông suốt là điểm tựa vững chắc cho nhiều ngành khác chống dịch thành công”.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)