Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 17-21/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/6 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/6 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
5 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước mới huy động được gần 32% kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ cả năm, trong khi tiếp tục chịu áp lực huy động thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược.
Theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước, trong tháng 5/2025, Kho bạc Nhà nước huy động được 24.056 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Luỹ kế đến cuối tháng 5/2024, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ huy động đạt 127.031 tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân là 11,06 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,24%/năm. So với kế hoạch huy động 400.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2024, kết quả 5 tháng đầu năm mới đạt gần 31,8% kế hoạch năm.
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm được phát hành nhiều nhất với giá trị lần lượt 48.299 tỷ và 36.506 tỷ đồng, chiếm khoảng 66,8% tổng giá trị kể từ đầu năm. Trái phiếu 5 năm xếp thứ 3 với 33.750 tỷ đồng. Tính riêng trong quý II, 46.802 tỷ đồng trái phiếu đã được gọi thầu thành công, tương đương 39% kế hoạch quý.
Lãi suất trúng thầu các phiên trong tháng 5 tiếp tục xu hướng tăng của các tháng trước đó, với mức tăng tại phiên cuối tháng từ 0,03%/năm đến 0,14%/năm so với phiên đầu tháng tùy kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất phát hành tại những phiên gọi thầu thành công cuối tháng 5 của các kỳ hạn 5, 10, 15, 20 và 30 năm lần lượt là 1,80%, 2,66%, 2,83%, 2,86% và 3,10%.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết trái phiếu chính phủ tại thời điểm 31/5/2024 đạt 2.052.012 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước. Giao dịch trái phiếu chính phủ tháng 5 có tổng giá trị giao dịch đạt 228.031 tỷ đồng, tăng 30,63% so với tháng trước, bình quân đạt 10.365 tỷ đồng/phiên. Trong đó, giá trị giao dịch Outright chiếm 62,37%, giá trị giao dịch Repos chiếm 37,63% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 5 chiếm 2,07% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị mua ròng đạt 630 tỷ đồng.
Trong tháng 5/2024, lợi suất giao dịch bình quân của trái phiếu chính phủ tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 3 năm, 10 năm và 10-15 năm, tương ứng tỷ lệ tăng 44,77%; 10,25% và 8,43% so với tháng trước và hiện đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 2,8%; 2,86% và 3,07%. Lợi suất giao dịch bình quân giảm nhiều nhất ở kỳ hạn 1 năm và 5-7 năm với tỷ lệ tăng tương ứng 10,36% và 6,28% so với tháng trước và hiện đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 1,32% và 2,21%.
Về kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/6, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược. Trước đó, văn bản số 231/TB-VPCP ngày 18/5/2024 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu yêu cầu về việc phát hành trái phiếu chính phủ để huy động vốn cho đầu tư phát triển, tập trung cho đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội; trước mắt nghiên cứu phát hành thêm khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 17-21/6
Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 17-21/6, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ. Chốt ngày 21/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.256 VND/USD, tăng nhẹ 7 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 17-21/6 tiếp tục biến động nhẹ. Kết thúc phiên 21/6, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.455 VND/USD, chỉ tăng 1 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do cũng ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 21/6, tỷ giá tự do tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.760 VND/USD và 25.840 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 17-21/6, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh qua các phiên với tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 21/6, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 3,42% (-1,03 điểm phần trăm); 1 tuần 3,76% (-0,82 điểm phần trăm); 2 tuần 4,48% (-0,25 điểm phần trăm); 1 tháng 4,74% (-0,16 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 21/6, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,28% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 5,33% (không thay đổi); 2 tuần 5,40% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,40% (-0,01 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần từ 17-21/6, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Không có khối lượng trúng thầu và 5.106,84 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, riêng phiên cuối tuần kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 30.700 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,25%; có 2.700 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 33.106,84 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 96.710 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 19/6, Kho bạc Nhà nước gọi thầu thành công 8.231 tỷ đồng/10.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 78%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 500 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 7.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 200 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 31 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,85% (+0,02 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,76% (+0,02 điểm phần trăm), 15 năm là 2,88% (+0,05 điểm phần trăm) và 30 năm là 3,10% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 26/6, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 11.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 8.000 tỷ đồng, 15 năm 1.500 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 13.165 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 12.276 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua giảm nhẹ đối với các kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Chốt phiên 21/6, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,86% (không đổi so với phiên tuần trước); 2 năm 1,88% (không đổi); 3 năm 1,90% (không đổi); 5 năm 1,96% (-0,01 điểm phần trăm); 7 năm 2,26% (-0,02 điểm phần trăm); 10 năm 2,77% (-0,02 điểm phần trăm); 15 năm 2,95% (-0,04 điểm phần trăm); 30 năm 3,19% (-0,005 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán trong tuần từ 17-21/6, các chỉ số tăng – giảm điểm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 21/6, VN-Index đứng ở mức 1.282,02 điểm, tăng nhẹ 2,11 điểm (+0,16%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index nhích 0,39 điểm (+0,16%) lên 244,36 điểm; UPCoM-Index tăng 2,53 điểm (+2,58%) đạt mức 100,58 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt trên 24.600 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 26.300 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 3.800 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng trong tuần qua. Đầu tiên, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 15/6 ở mức 238 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 243 nghìn đơn của tuần trước đó và cao hơn mức 235 nghìn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 232,75 nghìn, tăng 5,5 nghìn so với 4 tuần liền trước.
Tiếp theo, về lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng nhà và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt ghi nhận ở mức 1,39 triệu đơn và 1,28 triệu căn trong tháng Năm, cùng giảm xuống so với 1,44 triệu đơn và 1,35 triệu căn của tháng trước đó, đồng thời đều thấp hơn so với kỳ vọng ở 1,45 triệu đơn và 1,37 triệu căn.
Ở lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi tại quốc gia này ghi nhận mức giảm 0,1% so với tháng trước trong tháng Năm, tương tự kết quả thống kê của tháng 4 và trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%. Doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng vừa qua sau khi giảm 0,2% ở tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tăng 2,3%, giảm tốc so với mức tăng 3,0% của tháng 4 và thấp hơn mức tăng 2,7% theo kỳ vọng.
Cuối cùng, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,9% so với tháng trước trong tháng 5 sau khi đi ngang ở tháng Tư, tích cực hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng tăng nhẹ khoảng 0,4%, lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) không thay đổi lãi suất trong cuộc họp tháng Sáu. Trong cuộc họp ngày 20/6, BoE nhận định CPI trong tháng Năm đã giảm xuống còn 2,0% từ mức 3,2% của tháng Ba, gần khớp với dự báo trước. Các chỉ số về kỳ vọng lạm phát ngắn hạn cũng ở mức vừa phải, đặc biệt là đối với các hộ gia đình. Mặc dù vậy, BoE dự báo CPI sẽ tăng nhẹ trở lại ở nửa cuối năm nay, do hiệu ứng số từ nhóm mặt hàng năng lượng.
Tăng trưởng kinh tế quốc nội đã mạnh hơn dự kiến trong nửa đầu năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng lõi được cho rằng vẫn chậm hơn khoảng 0,25 điểm phần trăm ở mỗi quý. Hội đồng chính sách tiền tệ của BoE (MPC) khẳng định mục tiêu lạm phát luôn được ưu tiên, và chính sách tiền tệ sẽ đảm bảo lạm phát CPI quay lại mục tiêu 2,0% một cách bền vững trong trung hạn.
Theo đó, MPC thông qua quyết định giữ lãi suất chính sách đi ngang ở mức 5,25% trong cuộc họp lần này với 7 thành viên ủng hộ, và chỉ có 2 thành viên cho rằng cần hạ lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm. MPC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về lạm phát và sẵn sàng điều chỉnh để chính sách tiền tệ phù hợp.
Liên quan đến kinh tế Anh, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 2,0% so với cùng kỳ trong tháng Năm, giảm tốc từ mức 2,3% của tháng trước đó và khớp với dự báo. Đây là tháng suy yếu thứ tư liên tiếp của CPI, và cũng là lần đầu tiên chỉ báo này về lại mức 2,0% trong vòng 3 năm trở lại đây (đỉnh ở mức 11,1% tháng 10/2022).
Bên cạnh đó, CPI lõi tại Anh giảm tốc còn 3,5% so với cùng kỳ trong tháng 5 từ mức 3,9% của tháng trước đó, khớp với con số được kỳ vọng.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại Anh tăng 2,9% so với tháng trước trong tháng Năm sau khi giảm 1,8% ở tháng trước đó, mạnh hơn mức tăng 1,6% theo kỳ vọng.
Cuối cùng, theo khảo sát sơ bộ của S&P Global, PMI lĩnh vực sản xuất tại Anh đạt 51,4 điểm trong tháng Sáu, tăng nhẹ từ 51,2 điểm của tháng Năm, gần khớp dự báo ở 51,3 điểm. PMIs lĩnh vực dịch vụ trong tháng này chỉ đạt 51,2 điểm, giảm xuống từ 52,9 điểm của tháng trước, trái với dự báo nhích nhẹ lên 53,0 điểm.