Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 9-13/11
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/11 |
Tổng quan:
Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng thu hút FDI trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Tuy vậy, Việt Nam cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD ngày 27/10, đại dịch COVID-19 đã khiến vốn FDI trên toàn thế giới giảm 49% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước và đang trên đà giảm xuống 40% trong cả năm nay, làm tăng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Cụ thể, tất cả các hình thức đầu tư nước ngoài chính, từ tài trợ cơ sở hạ tầng đến sáp nhập và mua lại, đều bị ảnh hưởng trên toàn cầu. UNCTAD chỉ ra rằng việc đóng cửa và viễn cảnh suy thoái toàn cầu sâu sắc đã làm giảm đáng kể vốn FDI. Theo UNCTAD, các khoản đầu tư xuyên biên giới này ước tính đạt con số 399 tỷ USD, giảm 49% so với năm 2019 do việc đóng cửa các nhà máy trên toàn thế giới, điều này đã buộc các công ty phải trì hoãn các dự án đầu tư hiện tại và hoãn các khoản đầu tư không thiết yếu để bảo toàn dự trữ tiền mặt.
Trong đó, các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức giảm FDI lớn nhất, giảm 75% ở các nước giàu xuống 98 tỷ USD, mức chưa từng thấy kể từ năm 1994. FDI vào Bắc Mỹ giảm 56% so với cùng kỳ, ở mức 68 tỷ USD. FDI vào Mỹ đã giảm hơn một nửa (-61%), xuống 51 tỷ USD. Đầu tư của các công ty đa quốc gia EU vào Mỹ giảm 53% và các công ty đa quốc gia ở các nước đang phát triển giảm đầu tư vào Mỹ từ 31 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD. Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn dự báo (-16%).
Theo khu vực, tỷ lệ này giảm 28% đối với châu Phi, 25% đối với châu Mỹ Latinh và Caribe, và 12% đối với châu Á, chủ yếu do sự cản trở của các khoản đầu tư vào Trung Quốc. Nguồn vốn FDI dự kiến sẽ giảm chậm lại trong nửa cuối năm, dẫn đến mức giảm hàng năm từ 30 – 40% trong cả năm. Tốc độ suy giảm ở các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm dần do một số hoạt động đầu tư có vẻ sẽ tăng lên trong nửa cuối năm.
Dòng vốn đến các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ ổn định, trong đó khu vực Đông Á có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, triển vọng vẫn rất không chắc chắn, tùy thuộc vào diễn tiến của cuộc khủng hoảng COVID-19 và hiệu quả của các biện pháp can thiệp chính sách nhằm giảm nhẹ tác động kinh tế của đại dịch. Rủi ro địa chính trị cũng tiếp tục làm tăng thêm sự không chắc chắn. Nhìn chung, FDI dự kiến mức giảm trong năm 2021sẽ vừa phải ở mức từ 5 đến 10%.
Vì vậy, khi so sánh với con số FDI giảm 49% trong nửa đầu năm 2020 trên toàn thế giới, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà ĐTNN vào Việt Nam đến hết 20/10 đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019, vẫn là tương đối tích cực.
Trong đó: Vốn đăng ký mới có 2.100 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (giảm 32,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt 11,66 tỷ USD (giảm 9,1%); Vốn điều chỉnh có 907 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 20,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,71 tỷ USD (tăng 4,4%); Góp vốn, mua cổ phần: Có 5.451 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 27,4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp 6,11 tỷ USD (giảm 43,5%). Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (từ 37,1% trong 8 tháng năm 2019 xuống 26% trong 10 tháng năm 2020). Vốn điều chỉnh trong 10 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài những thuận lợi như xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư khỏi Trung Quốc, Việt Nam bước đầu tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mới…, Việt Nam cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI.
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn than phiền về những bất cập trong môi trường đầu tư như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng và công nghiệp phụ trợ yếu kém, lạm phát gia tăng… Luật Đầu tư sửa đổi có nhiều thay đổi đáng kể nhưng lại khiến các nhà đầu tư không kịp xoay xở và không yên tâm đầu tư kinh doanh. Có thể nói, khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng có thể coi là thách thức lớn nhất trong việc thu hút FDI.
Thứ hai, nguồn vốn FDI vào Việt Nam thiếu tính bền vững, vẫn phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án quy mô vốn lớn như dự án Samsung, LG Display… Nếu những dự án này không được cấp phép, hoặc rút vốn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến địa phương đó và cả nước.
Thứ ba, Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi. Đặc biệt, gần đây, sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng có thể coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thu hút FDI.
Thứ tư, hiện nay Việt Nam đang phải chọn lựa những dự án đầu tư chất lượng hơn như: có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và ít ô nhiễm môi trường hơn, điều này khiến cho số lượng các dòng vốn FDI có thể sẽ bị giảm sút.
Thứ năm, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những hạn chế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực sự là một thách thức không nhỏ cho Việt Nam để đạt được những mục tiêu thu hút FDI như kỳ vọng.
Tóm lược thị trường trong nước từ 09/11 - 13/11
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 09/11 - 13/11, sau khi giảm phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ. Chốt phiên 13/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.192 VND/USD, tăng 07 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.175 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.838 VND/USD.
Tỷ giá LNH tiếp tục biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt phiên 13/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.176 VND/USD, tăng nhẹ 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sau khi giảm khá mạnh tuần trước đó, tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua chỉ biến động tăng – giảm nhẹ. Chốt tuần 13/11, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.190 – 23.220 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 09/11 - 13/11, lãi suất VND LNH vẫn chỉ biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần. Chốt phiên 13/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,15% (không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,20% (-0,01 đpt); 2W 0,25% (-0,01 đpt); 1M 0,38% (-0,01 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH duy trì tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua, chốt tuần không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó ở các kỳ hạn ngắn và giảm nhẹ 0,01 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, đứng ở mức ON 0,16; 1W 0,21%; 2W 0,26% và 1M 0,36%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 09/11 - 13/11, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Chỉ có 1 tỷ đồng trúng thầu ở phiên cuối tuần.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN và VDB tham gia gọi thầu TPCP với tổng khối lượng gọi thầu đạt mức 22.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 11/11, KBNN huy động thành công 5.090/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 85%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động 90/1.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm huy động toàn bộ lần lượt 1.000 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,22%/năm (không đổi), kỳ hạn 10 năm tại 2,55%/năm (+0,02%), kỳ hạn 15 năm tại 2,78%/năm (+0,02%), kỳ hạn 30 năm tại 3,24%/năm (-0,01%).
Trước đó, ngày 10/11, NHPTVN huy động thành công 10.000/16.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động toàn bộ 5.000 tỷ đồng/kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 3,12%/năm - giảm 1,13% so với phiên đấu gần nhất ngày 3/12/2019. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 20 năm tại 3,31%/năm – giảm 1,06% cũng so với phiên ngày 3/12/2019. Trong tuần qua, lượng TPCP đáo hạn là 14.485 tỷ đồng.
Trong tuần này từ 16/11 - 20/11, KBNN dự kiến gọi thầu 6.000 tỷ đồng (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này, lượng TPCP đáo hạn là 900 triệu đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.488 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 10.403 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 13/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,18% (-0,002 đpt); 2 năm 0,3% (-0,01 đpt); 3 năm 0,37% (không thay đổi); 5 năm 1,33% (-0,01đpt); 7 năm 1,63% (-0,01 đpt); 10 năm 2,57% (-0,01 đpt); 15 năm 2,79% (-0,003 đpt); 30 năm 3,24% (-0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần 09/11 - 13/11 khởi sắc với diễn biết tích cực ở ở cả 3 chỉ số. Kết thúc phiên cuối tuần 13/11, VN-Index đạt 966,29 điểm, tăng 28,0 điểm (+2,98%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 5,43 điểm (+3,90%), lên mức 144,74 điểm; UPCOM-Index tăng 1,13 điểm (+1,78%) lên 64,70 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 8.620 tỷ đồng/phiên. Mặc dù mua ròng trở lại phiên cuối tuần, chốt tuần nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Thế giới có một tuần lạc quan khi đón thông tin tích cực về vaccine Covid-19. Tuy nhiên, chủ tịch Fed vẫn phát biểu thận trọng và Brexit vẫn chưa thể kết thúc bằng một thỏa thuận. Đầu tuần qua, Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và công nghệ sinh học BioNTech của Đức cho biết vaccine của họ mang lại hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm của virus Ncov-2. Việc này lập tức làm các chỉ số chứng khoán tại Mỹ và các thị trường trên thế giới đồng loạt tăng vọt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết vaccine vẫn cần trải qua một thời gian nữa để có thể hoàn thiện và sản xuất đại trà. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell trong tuần phát biểu cho biết kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi nhưng sẽ gặp nhiều thách thức do dịch bệnh. Ông Powell tiếp tục thúc giục các nhà lập pháp Mỹ nhanh chóng đưa ra quyết định về gói cứu trợ tài khóa tiếp theo để duy trì đà hồi phục.
Tại Mỹ, ngày 14/11 ghi nhận 150 nghìn ca mắc mới, đạt kỷ lục kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Liên quan đến Brexit, trong tuần vừa qua EU và Anh tiếp tục cuộc đàm phán tại Brussels nhưng không đạt nhiều kết quả khả quan. Các quan chức của cả hai bên đều quan ngại việc Brexit không thỏa thuận và hứa sẽ nỗ lực hết sức trong tuần này để có tiếng nói chung.
Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, CPI chung và CPI lõi Mỹ cùng đi ngang trong tháng 10 (0,0% m/m), sau khi cùng tăng 0,2% trong tháng 9, trái với dự báo lần lượt tăng 0,1% và 0,2% của các chuyên gia. So với cùng kỳ 2019, CPI chung của Mỹ tăng 1,2%; giảm xuống so với mức tăng 1,4% của tháng 9. Bên cạnh đó, chỉ số PPI chung và PPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,1% m/m trong tháng 10, sau khi cùng tăng 0,4% ở tháng 9, gần sát với dự báo cùng tăng 0,2%.
Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần trong tuần kết thúc ngày 07/11 ở mức 709 nghìn đơn, giảm khá mạnh từ mức 759 nghìn đơn của tuần trước đó, thậm chí xuống thấp hơn mức 730 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 11 được Đại học Michigan khảo sát được ở mức 77 điểm, giảm từ 81,8 điểm của tháng 10 và trái với kỳ vọng tăng lên 82,1 điểm.
Kinh tế nước Anh trong quý 3 hồi phục chậm hơn dự báo. Cụ thể, GDP của nước này chỉ phục hồi 15,5% q/q trong quý vừa qua sau khi giảm 19,8% ở quý 2, thấp hơn mức phục hồi 15,8% theo kỳ vọng của các chuyên gia. Sản lượng xây dựng của nước Anh tăng 2,9% m/m trong tháng 9 sau khi tăng 3,8% ở tháng 8, tích cực hơn mức tăng 2,1% theo dự báo. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp tăng 0,5% m/m trong tháng 9 sau khi tăng 0,3% ở tháng trước đó, thấp hơn kỳ vọng tăng 0,9%.
Về thị trường lao động, thu nhập bình quân của người lao động nước này tăng 1,3% 3m/y trong tháng 9 sau khi tăng nhẹ 0,1% ở tháng trước đó, vượt qua mức tăng 1,0% theo kỳ vọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh trong tháng 9 tăng lên mức 4,8% từ mức 4,5% của tháng 8, cao hơn mức 4,7% theo dự báo.