Đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch. Việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản và lâm nghiệp; hạ tầng thương mại như xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics như cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh. Ngành nông nghiệp sẽ hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác; phát triển hệ sinh thái ngành hàng, trong đó doanh nghiệp đầu tàu đảm bảo vai trò hạt nhân, phát triển hợp tác xã với chuỗi giá trị…
Xây dựng một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và hiện đại |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chiến lược đưa ra nền tảng từ tổ chức lại sản xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn hay cơ cấu lại nông nghiệp bắt đầu việc tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”…
Ngành nông nghiệp sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành cũng sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chiến lược nông nghiệp xác định sẽ xây dựng một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Nông nghiệp Việt Nam sẽ không cạnh tranh bằng số lượng, bằng khai thác tự nhiên nữa mà hướng đến cạnh tranh bằng sản xuất ít, sản xuất tiết kiệm, giảm bớt sức ép môi trường và bảo vệ môi trường, một nền nông nghiệp đem lại hiệu quả cao hơn. Nông nghiệp xanh để phát triển, đi vào thị trường tốt và để tạo lợi thế đặc biệt.
Đây là lần đầu ngành nông nghiệp có chiến lược chung. Sau khi chiến lược được phê duyệt, lãnh đạo bộ đã họp với các đơn vị trực thuộc để bàn giải pháp thực hiện, tuy nhiên, nếu như các bộ, ngành liên quan và các địa phương không vào cuộc thì chiến lược cũng chỉ “nằm trên giấy”, bởi chiến lược liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, đặc biệt là các cơ chế chính sách về đất đai, vốn, lao động… Bên cạnh nguồn lực về tiền bạc thì con người cũng là yếu tố quan trọng để đưa chiến lược vào cuộc sống.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất cẩn trọng và nghiêm túc trong việc xây dựng và đưa chiến lược vào cuộc sống, và quan trọng nhất là đã tiếp cận với dòng chảy, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới. Bộ sẽ ban hành kế hoạch hành động chiến lược; các đơn vị trực thuộc bộ phải trình lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp cận chuyển đổi tư duy theo chiến lược, để sớm hiện thực hóa việc xây dựng và đưa chiến lược đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.