Hiệu quả chuỗi liên kết trong nông nghiệp
Lối thoát từ chuỗi liên kết khép kín | |
Phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn | |
Ngân hàng hợp tác xây dựng chuỗi liên kết |
Cùng với đó, điệp khúc buồn “được giá mất mùa, được mùa mất giá” cũng đỡ "ngân nga". Với vai trò cầu nối, một số hợp tác xã (HTX) đứng ra kết nối giữa người dân với doanh nghiệp (DN) trong phát triển chuỗi liên kết để thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho các thành viên...
Đơn cử, vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện Chư Păh (Gia Lai) có 187,5ha cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn. Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo người dân không xuống giống trên những diện tích không đảm bảo nguồn nước. Cùng với đó, vụ Đông Xuân 2021-2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa, Tập đoàn Lộc Trời liên kết với người dân 2 xã Ia Ka và Ia Mơ Nông triển khai mô hình trồng khoảng 60ha bắp sinh khối trên diện tích lúa thường xuyên bị hạn.
Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã thực sự mang lại hiệu quả cho người nông dân, HTX và DN |
Theo UBND xã Ia Mơ Nông, mô hình trồng bắp sinh khối trên đất lúa bị hạn sẽ giúp người dân có thêm thu nhập, tránh lãng phí tài nguyên đất. Khi có chủ trương triển khai mô hình trồng bắp sinh khối trên đất lúa thường xuyên bị hạn, UBND xã Ia Mơ Nông vận động người dân tham gia. Cùng với đó, UBND xã đề nghị Phòng Nông nghiệp huyện mời đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa và Tập đoàn Lộc Trời về để trao đổi cụ thể với nông dân về chính sách đầu tư, liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm. Trước mắt, xã vận động người dân tham gia làm mô hình trồng bắp sinh khối khoảng 20ha...
Hay như, vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện Ia Pa đã triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa với diện tích 401,15ha tại nhiều xã. Tại xã Ia Ma Rơn, thời gian qua, chính quyền đã tập trung đẩy mạnh việc liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa gạo. Trong đó, vụ Đông Xuân 2020-2021, xã liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed triển khai dự án “Hỗ trợ giống lúa N25 và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm” trên diện tích 77ha của 309 hộ tham gia. Với năng suất lúa 10-11 tấn/ha, các hộ tham gia lãi bình quân 26 triệu đồng/ha. Vụ mùa, xã tiếp tục liên kết với Công ty TNHH giống cây trồng Thành Lợi triển khai mô hình hỗ trợ giống lúa MT10 trên diện tích 80ha và Công ty TNHH Nông Việt Phát triển khai mô hình hỗ trợ giống lúa N25 trên diện tích 137ha, tổng cộng có 817 hộ tham gia. Năng suất bình quân đạt 7-8 tấn/ha, mang về lợi nhuận 17,4 triệu đồng/ha. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống và được hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất lúa đạt cao, lợi nhuận bình quân tăng so với diện tích lúa ngoài mô hình khoảng 10 triệu đồng/ha.
Đối với cây cà phê, thời gian qua, HTX nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong, huyện Đak Đoa (Gia Lai) ký hợp đồng tiêu thụ hàng 100 tấn cà phê nhân chất lượng cao sản xuất theo tiêu chuẩn 4C với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Nhờ đó, các thành viên HTX yên tâm đầu tư chăm sóc vườn cây, sản xuất cà phê chất lượng cao theo đúng tiêu chuẩn cam kết với DN.
HTX Đak Krong, hiện có 191 thành viên tham gia sản xuất, với tổng diện tích vùng nguyên liệu lên đến hơn 326ha. Trong đó, có 38 hộ dân sản xuất cà phê chất lượng cao trên diện tích 46ha để cung cấp cho DN. HTX đang có kế hoạch nâng sản lượng lên 150 tấn/năm với khoảng 80 hộ tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn 4C. Tập trung nâng cao chất lượng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn để tạo chuỗi liên kết giữa HTX và DN theo hướng bền vững, và người dân chắc chắn nâng cao được thu nhập.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 13 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản như: chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cà phê, hồ tiêu, lúa, cây ăn quả, rau, dược liệu… với tổng diện tích hơn 134.281ha.
Trong đó, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có 9 HTX tham gia, với diện tích hơn 25.964ha, có khoảng 7.000 hộ nông dân tại 8 huyện, thành phố của Gia Lai tham gia chuỗi sản xuất này. Công ty TNHH một thành viên xuất khẩu rau quả Doveco có khoảng 2.090ha bao gồm cây chanh dây, dứa, bắp ngọt, đậu tương, chuối tiêu hồng, rau chân vịt. Doveco đã thực hiện liên kết với 5 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác, hơn 1.075 hộ dân tham gia. Tập đoàn Lộc Trời liên kết với 8 HTX, 2 tổ hợp tác và 1 công ty lâm nghiệp, với diện tích hơn 1.242ha trên địa bàn 7 huyện…
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều HTX hoạt động chưa thực thật sự hiệu quả, chậm đổi mới, tiếp cận thông tin… Một số HTX còn bị động, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để hỗ trợ tích cực cho DN, HTX, chính quyền các địa phương cần tích cực chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể đối với các HTX liên kết với DN, tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Phải xem việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là đột phá trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững... Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xây dựng các dự án hỗ trợ nông nghiệp theo các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực; thu hút DN lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất thông qua HTX, tổ hợp tác để thực hiện tốt việc phát triển vùng nguyên liệu rau, quả, dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao và trồng rừng trên địa bàn.