Kế hoạch phục hồi có thể làm tăng bội chi ngân sách thêm 1%
Kiểm soát dịch tốt để người lao động yên tâm quay lại làm việc | |
Đại biểu quốc hội đề xuất các giải pháp để sống an toàn với dịch bệnh và phục hồi kinh tế |
Chương trình phục hồi có thể thực hiện từ đầu năm 2022
Chất vấn xoay quanh các nội dung: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn; các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và các Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Ngay đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 30 đại biểu đăng ký chất vấn.
Về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đang được xây dựng, hoàn thiện báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết quan điểm chung là Chương trình phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các hỗ trợ cần triển khai cho cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế; thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược, kế hoạch đã có; tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời để hỗ trợ đồng thời tính đến cả những vấn đề dài hạn. Ngoài ra, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, gắn với cơ chế thực hiện để đảm bảo khả thi, hiệu quả cũng như phù hợp với nguồn lực và khả năng vay - trả của nền kinh tế.
Một số mục tiêu cụ thể được xác định như: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của cả giai đoạn là 6,5-7%/năm; nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách; đảm bảo an sinh - xã hội, tránh giải thể, phá sản, thâu tóm doanh nghiệp…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu từng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu các thành quả, nỗ lực trong những năm qua cũng như làm tăng nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.
"Bộ dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua Chương trình sẽ thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Nếu Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay thì thực hiện ngay từ đầu năm 2022 để đảm bảo các mục tiêu đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Khác gì các gói kích thích kinh tế trước đây?
Đại biểu Võ Thị Bích Sinh (Nghệ An) chất vấn: Gói kích thích này sẽ có gì giống và khác nhau so với các gói đã được thực hiện trong các giai đoạn trước đây? Theo Bộ trưởng, đến thời điểm nào kinh tế Việt Nam được xem là phục hồi?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải đáp, giai đoạn năm 2008 - 2009, chúng ta tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Lúc đó, chúng ta dành 122 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,9 tỷ USD, riêng năm 2009 dành 100,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng 5,7 tỷ USD, tương ứng 5,6% GDP (lúc đó khoảng GDP 100 tỷ USD). Các kết quả đạt được là tích cực sau khi chúng ta tung gói kích thích ra, giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, là một trong ít nước tăng trưởng dương: năm 2008 là 5,7%, năm 2009 là 5,4%.
Hạn chế, bất cập chính sách khi đó chủ yếu ở phía cung, doanh nghiệp khó khăn đầu ra, có hiện tương vay vốn rẻ từ ngân hàng này gửi vào ngân hàng khác, hay vốn không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, bất động sản… Ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô là lạm phát tăng cao (lạm phát 2010 là 9,2%; năm 2011 lên tới 18,6 %), đầu tư dàn trải, nợ đọng…
Công tác kiểm tra, giám sát cũng thiếu chặt chẽ, thiếu chính sách đồng bộ tài khoá, tiền tệ. Chính sách thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định của giai đoạn trước, tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức cao. Chính sách hỗ trợ chưa sát thực tiễn, vay vốn doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch.
Qua đó, chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm như sau: Cần có chương trình tổng thể, quy mô lớn, đủ khả năng vay - trả, dựa trên khả năng hấp thụ nền kinh tế. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, hỗ trợ trọng tâm trọng điểm… Đặc biệt, phải coi trọng khâu kiểm soát rủi ro, giám sát chặt chẽ trong thực hiện.
Về thời điểm phục hồi, Bộ trưởng cho rằng đến nay thực tế chưa có quan điểm thống nhất. “Chúng tôi cho rằng phục hồi là khi các hoạt động kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động đi lại trở lại như trước dịch, tốc độ tăng trưởng quay trở lại thời điểm trước dịch mới được gọi là phục hồi”, Bộ trưởng nói.
Về quá trình phục hồi, dự tính nếu Chương trình được thực hiện ngay từ đầu năm 2022 thì quá trình phục hồi sẽ diễn ra từ nửa cuối năm 2022 và tăng dần trong năm 2023.
“Cuối năm 2023, nếu thực hiện kiểm soát tốt, hiệu quả các gói đưa ra thì chúng ra có thể trở lại trạng thái bình thường như mong muốn, kỳ vọng”, Bộ trưởng cho biết.
Bội chi có thể tăng thêm 1%, nhưng không đáng quan ngại
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn, trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội (tốc độ tăng GDP 6-6,5%; tốc độ tăng CPI 4%; tỷ lệ bội chi ngân sách ngân sách so với GDP khoảng 4%), đề nghị Bộ trưởng cho biết khi xây dựng những chỉ tiêu này đã dự báo hết các nguy cơ như gia tăng tỷ lệ nhập khẩu lạm phát chưa? Tỷ lệ bội chi nêu trên đã bao gồm những nguồn vốn cho hỗ trợ phục hồi kinh tế mà chính phủ dự kiến trình quốc hội trong thời gian tới hay chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ sở để xác định các chỉ tiêu này căn cứ vào tình hình thực hiện, có tính đến khả năng kiểm soát dịch bệnh vào quý IV năm nay, cũng như khả năng phục hồi nền kinh tế khi mở cửa trở lại.
Riêng vấn đề nguồn vốn cho Chương trình phục hồi, "xin thưa là chúng tôi chưa tính vào, nếu được Quốc hội thông qua sẽ làm tăng thêm bội chi khoảng 1%", Bộ trưởng Dũng cho biết. Nhưng Bộ trưởng tin tưởng hiệu quả của Chương trình hỗ trợ giúp kinh tế tăng trưởng, phục hồi sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu.
“GDP tăng lên thì nợ công, bội chi giảm đi, không tác động lớn tới các chỉ tiêu vĩ mô của chúng ta”, ông cho biết. "Và quan trọng là chúng ta đang có dư địa để thực hiện gói chính sách hỗ trợ này".
Trả lời chất vấn của đại biểu về các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu kép trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 128 một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục.
Thứ hai, tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm, theo đó hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội...
Thứ ba, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tổn thương rất nhiều và khả năng chống chịu đã bị bào mòn rất nhiều, đặc biệt và một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ.
Về các chính sách chung, Bộ sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí. Bên cạnh đó, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, có một số chính sách riêng đối với ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...
Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích cơ chế PPP để thực hiện các hạ tầng này; đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia mang tính động lực lớn, lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thứ năm, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngoài ra, thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, ban hành nhiều đạo luật quan trọng với tư duy và tầm nhìn đổi mới, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành trong đầu tư sản xuất kinh doanh để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển, nhất là các cấp, các ngành, các lĩnh vực và địa phương cũng như là cả vùng và cả nước.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất để kịp thời sửa đổi, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình thực hiện.
Đáng chú ý với sự đồng ý của Quốc hội, Bộ đang phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi để khắc phục các khó khăn, vướng mắc này thông qua xây dựng 1 luật, sửa 10 luật sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới. Trong đó, có 6 luật liên quan đến đầu tư sản xuất kinh doanh; xây dựng đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư cùng với các quy định thực hiện để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.