Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD
Quyền xử lý TSBĐ, hiện trạng và những khó khăn trong quá trình xử lý | |
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD |
Ảnh minh họa |
* Một số cụm từ viết tắt được sử dụng trong bài viết:
– “TCTD”: Tổ chức tín dụng.
– “TSBĐ”: Tài sản bảo đảm.
– “NĐ 163”: Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012).
– “TTLT 16”: Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.
- “TTLT 06”: Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 của Bộ Công an - Bộ Tài chính - Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
1. Thực trạng việc nhận và xử lý TSBĐ của TCTD:
Thực tiễn hoạt động cấp tín dụng cho thấy, nghiệp vụ cho vay của TCTD luôn gắn liền với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của khách hàng. Tài sản được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán có thể rất đa dạng, như quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, quyền đòi nợ,... dẫn đến việc xử lý các tài sản này để thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cũng được thực hiện thông qua nhiều phương pháp, cách thức khác nhau.
Căn cứ vào thực tế hoạt động xử lý nợ của các TCTD, có thể thấy rằng các TCTD không “mặn mà” đối với việc khởi kiện khách hàng ra Tòa án để thu hồi nợ, bởi lẽ các vụ khởi kiện thường tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí (thời gian trung bình để giải quyết một vụ án kể từ khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện cho đến khi thi hành án xong là từ 18-36 tháng), chưa kể đến một số trường hợp vướng mắc rất khó để khởi kiện (ví dụ: bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiện đang cư trú tại ngước ngoài; doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, không cung cấp được địa chỉ của người đại diện theo pháp luật;...). Trước thực trạng đó, việc thu hồi nợ thông qua xử lý tài sản bảo đảm là biện pháp được nhiều TCTD ưu tiên áp dụng bởi tính chủ động cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí của biện pháp này.
Nhìn chung, pháp luật đã quy định tương đối rõ ràng về quyền của bên nhận bảo đảm nói chung cũng như của TCTD nói riêng trong việc xử lý TSBĐ, cụ thể tại 02 văn bản pháp luật là NĐ 163 và TTLT 16, được coi là “xương sống” cho hoạt động xử lý TSBĐ của các TCTD. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động xử lý nợ cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập khi TCTD thực hiện các quyền xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật. Việc tháo gỡ các vướng mắc, bất cập này là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước để lành mạnh hoạt động cho vay của TCTD cũng như góp phần giải quyết được bài toán nợ xấu tồn đọng của Việt Nam.
2. Khó khăn, vướng mắc của TCTD khi thực hiện quyền xử lý TSBĐ:
2.1. Vướng mắc khi thực hiện quyền thu giữ, xử lý TSBĐ:
a) Về việc phối hợp của các cơ quan chức năng:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 NĐ 163, TCTD có quyền thu giữ TSBĐ trong trường hợp bên giữ TSBĐ không giao tài sản theo thông báo của TCTD. Ngoài ra, NĐ 163 và TTLT 16 cũng quy định trong trường hợp bên giữ TSBĐ có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng thì TCTD có quyền yêu cầu UBND cấp xã và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ phối hợp, hỗ trợ trong quá trình tiến hành thu giữ.
Thực tế, hầu như các trường hợp TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ đều gặp phải sự cản trở, chống đối từ bên giữ tài sản, bởi lẽ nếu có thiện chí thì bên giữ tài sản đã phối hợp với TCTD để xử lý TSBĐ hoặc giao tài sản khi nhận được thông báo của TCTD. Trong khi đó, mặc dù theo quy định của pháp luật thì UBND cấp xã và cơ quan Công an có trách nhiệm bảo đảm cho TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ trong trường hợp bên giữ tài sản cản trở, chống đối nhưng sự tham gia của các cơ quan này chưa thực sự phát huy hiệu quả, luôn chỉ mang tính chất chứng kiến. Vì vậy, để thực hiện được quyền thu giữ TSBĐ theo quy định của pháp luật, TCTD vẫn phải phụ thuộc và trông chờ vào sự hợp tác, ý chí chủ quan của bên giữ tài sản do không có bất kỳ một cơ chế, chế tài nào để xử lý trong trường hợp bên giữ tài sản có hành vi cản trở, chống đối.
Ngoài ra, quan điểm nhìn nhận chung của xã hội và cơ quan Nhà nước đối với hoạt động thu giữ TSBĐ của TCTD vẫn còn khá mới mẻ, đây là một rào cản tâm lý rất lớn khi các TCTD thực hiện quyền thu giữ tài sản vì các cơ quan Nhà nước đều có tâm lý e dè, hạn chế khi nhận được văn bản đề nghị phối hợp, hỗ trợ của các TCTD mặc dù các nội dung này đã được pháp luật quy định cụ thể.
b) Về thủ tục chuyển quyền sở hữu/sử dụng khi xử lý tài sản:
Theo quy định của pháp luật, TCTD được quyền thu giữ TSBĐ để xử lý theo phương thức các bên đã thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm tiền vay. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng quy định này chỉ thực hiện được đối với các TSBĐ là động sản, đối với các TSBĐ là bất động sản (quyền sử dụng đất,tài sản gắn liền với đất) thì còn tồn tại tình trạng một số cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất không đồng ý thực hiện thủ tục sang tên cho người mua, mặc dù Điều 12 TTLT 16 đã quy định rõ TCTD được quyền đứng tên bán TSBĐ. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền chủ động của TCTD khi xử lý bất động sản thu hồi nợ.
2.2. Vướng mắc về thủ tục xử lý TSBĐ:
a) Xử lý TSBĐ là nơi ở duy nhất:
Đối với các trường hợp TSBĐ (quyền sử dụng đất, nhà ở) là nơi ở duy nhất mà bên bảo đảm đang sinh sống, khi TCTD đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ trong việc thu giữ, xử lý TSBĐ thì thường không nhận được sự ủng hộ, đặc biệt trong trường hợp bên bảo đảm có hoàn cảnh khó khăn, bên bảo đảm là hộ nghèo hoặc đối tượng chính sách. Việc thu hồi nợ đối với các đối tượng khách hàng này rất khó khăn và thường bị kéo dài.
Có ý kiến cho rằng trong trường hợp này, TCTD không có quyền thu giữ TSBĐ để xử lý vì theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 63 NĐ 163 thì “Khi thực hiện việc thu giữ TSBĐ, người xử lý tài sản có trách nhiệm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm”. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định này đã nêu rõ không được áp dụng các biện pháp vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, ngoài ra pháp luật không có quy định ngoại lệ nào về việc thu giữ, xử lý TSBĐ đối với các trường hợp bên bảo đảm là hộ nghèo, đối tượng chính sách. Vì vậy, việc thu giữ và xử lý TSBĐ đối với các đối tượng này cũng cần phải được thực hiện tương tự như các trường hợp khác.
b) Xử lý TSBĐ của hộ gia đình:
Việc xử lý TSBĐ của hộ gia đình rất khó khăn về thủ tục, đặc biệt trong trường hợp một trong các thành viên của hộ không còn sinh sống tại nơi cư trú hoặc đi nước ngoài, kéo theo nhiều vấn đề như thỏa thuận xử lý TSBĐ thiếu chữ ký của thành viên trong hộ, không thể lập Biên bản làm việc về xử lý TSBĐ, vì vậy cần có cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp này để đảm bảo quyền lợi của bên nhận bảo đảm.
c) Xử lý TSBĐ khi khách hàng doanh nghiệp nợ lương công nhân:
Trong trường hợp khách hàng doanh nghiệp nợ lương công nhân, việc TCTD áp dụng biện pháp thu giữ, xử lý TSBĐ (thậm chí hai bên đã thỏa thuận bán TSBĐ để xử lý nợ) gặp rất nhiều khó khăn do gặp phải sự cản trở, phản đối từ công nhân, đồng thời doanh nghiệp cũng không bàn giao được TSBĐ cho TCTD. Việc đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp trong trường hợp này là rất khó vì liên quan đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội, không thể thực hiện cưỡng chế được nên nhiều trường hợp TCTD không thể bàn giao tài sản cho bên mua theo đúng cam kết trong hợp đồng mua bán TSBĐ.
d) Xử lý TSBĐ là dự án đầu tư:
Hiện nay có rất nhiều trường hợp TCTD cho chủ đầu tư vay vốn để thực hiện các dự án bất động sản, dự án khu công nghiệp,... và nhận thế chấp chính các tài sản hình thành từ dự án. Việc xử lý TSBĐ trong trường hợp này gặp vướng mắc do ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý TSBĐ, TCTD còn chịu sự ràng buộc và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng dự án đầu tư.
Như đối với trường hợp xử lý TSBĐ là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, về nguyên tắc thì sau khi thu giữ TSBĐ, TCTD có quyền định giá và phát mại TSBĐ thông qua tổ chức bán đấu giá. Tuy nhiên, để người trúng đấu giá tài sản được “sang tên” dự án (cấp Giấy chứng nhận đầu tư) thì phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Đã có một số trường hợp, TCTD và bên mua TSBĐ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì sau khi bên mua trúng đấu giá tài sản thì UBND tỉnh từ chối việc chuyển nhượng dự án với lý do “người mua tài sản không đủ năng lực”. Vì vậy, để thuận tiện trong việc chuyển nhượng dự án và tránh các vướng mắc có thể phát sinh, bên mua phải “chứng minh năng lực” với UBND tỉnh trước, sau đó mới tiến hành thủ tục mua tài sản thông qua bán đấu giá, tuy nhiên cách làm này là chưa phù hợp với quy trình, bản chất của hoạt động bán đấu giá TSBĐ.
e) Xử lý TSBĐ trong trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện:
Hiện nay, nhiều trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật (do người đại diện theo pháp luật phải chấp hành hình phạt tù; do tranh chấp trong nội bộ Công ty; chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ về nước,… nhưng Công ty chưa có người đại diện theo pháp luật mới) dẫn đến việc khi phải xử lý tài sản bảo đảm TCTD không thể xử lý được, hoặc khi TCTD khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu xử lý TSBĐ cũng không thực hiện được do việc thụ lý tại Tòa án gặp khó khăn vì doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật để tham gia tố tụng.
g) Xử lý TSBĐ được thế chấp tại nhiều TCTD:
Hiện nay, có trường hợp nhiều TCTD cùng nhận thế chấp đối với một tài sản, tuy nhiên pháp luật chưa có hướng dẫn về việc phối hợp giữa các TCTD trong việc thu hồi, xử lý TSBĐ. Điều 61 NĐ 163 đã quy định cụ thể về thủ tục khi xử lý TSBĐ trong trường hợp bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, tuy nhiên thực tế thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu phải có phản hồi chính thức từ các bên cùng nhận bảo đảm thì mới cho phép xử lý TSBĐ. Yêu cầu này sẽ gây khó khăn, thiệt hại cho bên nhận bảo đảm trong trường hợp bên cùng nhận bảo đảm là tổ chức, cá nhân nước ngoài và/hoặc đã phá sản, giải thể, mất liên lạc,…
2.3. Vướng mắc trong việc quản lý TSBĐ:
Theo quy định tại Điều 20a NĐ 163 thì “Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”. Quy định này gây khó khăn cho TCTD trong việc quản lý tài sản, tạo cơ hội cho bên bảo đảm thực hiện hành vi tẩu tán, chuyển nhượng bất hợp pháp TSBĐ. Ngoài ra, trong quá trình nhận thế chấp phương tiện giao thông vận tải, có nhiều trường hợp bên bảo đảm thực hiện sửa chữa, thay đổi số khung, số máy khiến cho số khung, số máy trên thực tế không khớp với hợp đồng bảo đảm tiền vay và Đơn đăng ký giao dịch bảo đảm, dẫn đến TCTD không thể xử lý được TSBĐ.
2.4. Vướng mắc khi xử lý TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự:
Việc xử lý TSBĐ là vật chứng chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể, dẫn tới khó khăn cho TCTD khi xử lý tài sản trong trường hợp này. Hiện nay, liên quan đến nội dung này chỉ có quy định tại TTLT 06, tuy nhiên các nội dung được TTLT 06 căn cứ, trích dẫn (Bộ Luật Hình sự năm 1985, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 1988, Bộ Luật Dân sự năm 1995) đều đã hết hiệu lực.
Mặt khác, thực tế xử lý vật chứng hiện nay phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng theo từng giai đoạn. Có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng cho phép xử lý vật chứng, cũng có trường hợp theo ý kiến của cơ quan tiến hành tố tụng là cần phải chờ phán quyết của Tòa án. Thiết nghĩ, việc xử lý vật chứng là TSBĐ trong quan hệ tín dụng là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của TCTD, thậm chí là quyền lợi của bên bảo đảm, nhưng cách hiểu và áp dụng như hiện nay vẫn không thống nhất.
Ngoài ra, nhiều trường hợp bên bảo đảm bị khởi tố điều tra về tội danh có hoặc không liên quan đến hoạt động cho vay của TCTD, giao dịch bảo đảm (TSBĐ không phải là vật chứng trong vụ án) đã được các bên thực hiện theo đúng quy định, nhưng khi xử lý TSBĐ thì TCTD vẫn phải báo cáo và chờ ý kiến của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc này làm tăng thêm thủ tục hành chính và không đảm bảo quyền của TCTD theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần thiết ban hành một văn bản mới để cập nhật các quy định hiện hành của pháp luật, làm căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực thi pháp luật và TCTD có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên nhận bảo đảm trong các trường hợp này.
2.5. Vướng mắc khi nhận TSBĐ thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ:
Thực tế, việc áp dụng xử lý TSBĐ theo phương thức này đôi khi là trường hợp bắt buộc, vì trong quá trình bán tài sản, nếu tiếp tục giảm giá bán sẽ dẫn đến TSBĐ giảm giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị thực nên TCTD buộc phải nhận TSBĐ (quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất) để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
Theo quy định pháp luật, việc TCTD nhận TSBĐ trong trường hợp này phải thuộc một trong hai trường hợp sau: (i) nhận làm tài sản nội ngành để khai thác sử dụng phù hợp với nhu cầu của TCTD; hoặc (ii) nhận để chờ xử lý theo quy định tại Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng. Thực tế, việc nhận TSBĐ để khai thác sử dụng là rất ít, vì cơ bản TCTD đã có các cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động, còn chủ yếu việc nhận TSBĐ là để xử lý tránh trường hợp giá trị tài sản giảm sút quá lớn. Tuy nhiên, việc nhận TSBĐ để chờ xử lý lại gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:
- Theo Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư 05/2013/TT-BTC ngày 09/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khi nhận TSBĐ trong trường hợp này thì TCTD không hạch toán tăng tài sản, hay nói cách khác là không được hạch toán giảm dư nợ vay của khách hàng cho đến khi xử lý được TSBĐ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm thì biện pháp nhận TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ là phải khấu trừ nghĩa vụ ngay khi TCTD nhận TSBĐ. Như vậy, có sự không thống nhất trong các quy định của pháp luật, gây lúng túng, khó khăn cho các TCTD khi áp dụng.
- Ngoài ra, trường hợp thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm thì khi nhận TSBĐ, TCTD phải thực hiện các thủ tục sang tên chủ sở hữu đối với TSBĐ và phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD phải thực hiện nghĩa vụ tài chính 02 lần trong trường hợp chỉ nhận TSBĐ để xử lý.
3. Đề xuất một số giải pháp:
Để xây dựng được hành lang pháp lý chặt chẽ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD thực hiện các quyền lợi chính đáng của mình trong việc xử lý TSBĐ, ngoài việc kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan thì các cơ quan quản lý Nhà nước còn cần thường xuyên quán triệt, phổ biến và nâng cao nhận thức của các cán bộ về quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch bảo đảm, cụ thể cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau đây:
3.1. Về cơ chế, chính sách pháp luật:
- Hiện nay, Bộ Luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) chưa có quy định cụ thể về việc thu giữ TSBĐ. Vì vậy, với vai trò là cơ quan chủ biên xây dựng văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm thay thế NĐ 163, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn chi tiết về quyền của bên nhận bảo đảm đối với việc xử lý TSBĐ trong trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác. Trong quá trình xây dựng văn bản, Bộ Tư pháp cũng cần phối hợp, lấy ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan để có cơ chế giải quyết vướng mắc cho các TCTD trong các trường hợp xử lý TSBĐ là dự án đầu tư, TSBĐ là nơi ở duy nhất, TSBĐ của hộ gia đình, TSBĐ được thế chấp tại nhiều TCTD,…
- Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cùng các đơn vị liên quan cần sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản pháp luật thay thế TTLT 06 để giải quyết và tháo gỡ vướng mắc cho các TCTD trong trường hợp xử lý TSBĐ là vật chứng hoặc có liên quan đến người có hành vi phạm tội trong vụ án hình sự.
- Pháp luật cần có quy định cụ thể hơn đối với trường hợp TCTD nhận chính TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ, với điều kiện cho phép TCTD được hạch toán giảm trừ nghĩa vụ nợ ngay tại thời điểm nhận gán nợ để đảm bảo thống nhất cơ chế xử lý TSBĐ đối với phương thức này.
3.2. Về sự phối hợp, hỗ trợ của cơ quan chức năng:
- Văn bản thay thế NĐ 163 cần phải quy định rõ ràng, cụ thể về tính chất “bắt buộc”, cách thức tham gia của UBND cấp xã và cơ quan Công an trong trường hợp TCTD thu giữ TSBĐ và bên bảo đảm có hành vi chống đối, tránh tình trạng TCTD có văn bản đề nghị nhưng cơ quan chức năng từ chối không tham gia hoặc chỉ đóng vai trò chứng kiến như hiện nay.
- Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan tích cực phổ biến, đào tạo và nâng cao hơn nữa nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp dưới (đặc biệt là cấp xã) đối với kiến thức pháp luật về giao dịch bảo đảm cũng như về quyền xử lý TSBĐ của các TCTD.
3.3. Đề xuất khác:
- Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên tiếp nhận phản hồi của các TCTD về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ.
- Tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động xử lý TSBĐ của TCTD, ngăn chặn ngay các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn trong quá trình xử lý hoặc có sai phạm trong việc tuân thủ theo quy định của pháp luật.
- Mặt khác, cần nghiêm túc thực hiện cơ chế bồi thường Nhà nước đối với các thiệt hại trong quá trình xử lý TSBĐ của các TCTD mà nguyên nhân thiệt hại là do việc không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định pháp luật của cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước.