Phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu Việt
Để ngành hồ tiêu Việt Nam phục hồi, lấy lại vị thế Cơ hội cho ngành hồ tiêu Việt |
Hồ tiêu Việt Nam được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm hơn 93,5% diện tích hồ tiêu cả nước. Trong đó, vùng Tây Nguyên chiếm 64%.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 32.800ha hồ tiêu, sản lượng đạt gần 82.000 tấn, chiếm khoảng 40% diện tích và 43,3% sản lượng toàn vùng Tây Nguyên.
Giá giảm, dịch bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây hồ tiêu |
Từ năm 2018 đến nay, diện tích hồ tiêu Đắk Lắk đã giảm đáng kể, khoảng 5.000ha. Ngoài nguyên nhân do giá thấp khiến người dân chặt bỏ để trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc xen canh trong vườn tiêu, còn do dịch bệnh khiến hơn 2.000ha hồ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, vào thời điểm hồ tiêu có giá cao, người dân đã ồ ạt trồng, kể cả ở những vùng đất không phù hợp như vùng trũng, thấp, mực nước ngầm cao. Trong khi đó, người trồng hồ tiêu lại áp dụng các biện pháp canh tác không hợp lý, thiếu kỹ thuật đã dẫn đến sự xuất hiện thường xuyên của nhiều loại sâu bệnh hại, nhất là một số dịch bệnh đặc biệt nguy hại như bệnh chết nhanh, chết chậm...
Trước thực trạng trên, 3 năm gần đây, dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” đã được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên do Liên minh châu Âu và Tổ chức IDH tài trợ, được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023 tại ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Dự án đã góp phần cải thiện đời sống của gần 8.000 hộ nông dân trồng hồ tiêu trên diện tích 8.500ha ở Tây Nguyên.
Một số kết quả chính của dự án, gồm: tăng 60% khối lượng hạt tiêu tuân thủ các yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của thị trường cao cấp và giá trị tiêu xuất khẩu được chứng nhận năm 2023 ước đạt 600 triệu USD; 50% đại lý thuốc bảo vệ thực vật ký cam kết tuân thủ các quy định về quản lý thuốc.
Cùng với đó, dự án góp phần giảm 98% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm. Đặc biệt, các loại thuốc diệt cỏ, nấm và côn trùng. Dự án đã có sự tham gia của 12 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam; 14 đội dịch vụ nông nghiệp được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tư vấn và giám sát việc sử dụng hóa chất có trách nhiệm của nông dân.
Trong 3 năm qua, 160 khóa tập huấn cho nông dân đã được tổ chức. Nông dân được phổ biến kiến thức và hướng dẫn áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng, quản lý thảm phủ... góp phần giảm vật tư đầu vào, qua đó giảm 10% phát thải carbon và giảm 17% lượng nước tưới.
Việc triển khai dự án này nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được những lợi ích từ các cam kết thương mại song phương. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Việt Nam sang EU. Qua đó, góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hồ tiêu tăng sản lượng bền vững…