Phát triển chuỗi cung ứng: Cần phải gắn chặt với chuỗi giá trị
Hà Nội tập trung xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn | |
Công nghiệp hỗ trợ: Nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu | |
Doanh nghiệp dệt may: Không để đứt mạch chuỗi cung ứng |
Sự lây lan của đại dịch Covid-19 không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro, mà còn làm gián đoạn cuộc sống, sinh kế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên toàn thế giới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) chia sẻ, Việt Nam đã thực hiện tốt việc ngăn chặn dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế. Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế trong trung và dài hạn. Theo đó, về lâu dài, tất cả các ngành kinh tế của Việt Nam đều phải cơ cấu lại, đặc biệt chuỗi cung ứng phải hình thành và phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn.
Ngành nông nghiệp cần áp dụng tiến bộ khoa học trong truy xuất nguồn gốc |
Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam thành lập nhóm nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên chuỗi cung ứng của một số ngành tại Việt Nam, trước mắt là cho 3 ngành: Nông nghiệp; Chế biến thực phẩm và ô tô - xe điện. Từ đó, đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm tại Việt Nam, dẫn đến những thách thức cho doanh nghiệp trong việc ứng phó với sự gián đoạn thị trường trong bối cảnh đại dịch. Các vấn đề nổi cộm bao gồm hệ thống logistics kém phát triển với các kênh phân phối chính là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và chợ truyền thống; khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khả năng truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế; năng lực về nghiên cứu-phát triển để tham gia vào các hoạt động mang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng cũng như thay thế hàng hóa nhập khẩu; và năng lực xây dựng thương hiệu.
Trên cơ sở phân tích, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nâng cao các tiêu chuẩn và áp dụng truy xuất nguồn gốc, tăng cường nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị nông sản Việt, từ đó dần xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trong nước và quốc tế. Trước mắt, cần cải tiến công đoạn sơ chế, bảo quản (tăng cường kho lạnh) và phân phối thông qua thiết lập các trung tâm dịch vụ chia sẻ (CFC) cũng như tạo các điểm kết nối mua bán (B2B), giúp kéo dài thời gian bảo quản và hạn chế đứt gãy trong kênh phân phối. Song song với đó, cần thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển ngành.
Đối với ngành công nghiệp ô tô và xe điện, các đề xuất tập trung vào việc chuyển đổi sang xe điện, và được khuyến nghị thực hiện trong trung và dài hạn. Cần thành lập cơ quan ở cấp Trung ương để điều phối về chiến lược trong xây dựng và triển khai. Xác định những cấu phần trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia. Xác định các khu vực địa lý được ưu tiên để có các chính sách khuyến khích phổ biến xe điện cũng như khuyến khích sản xuất trong nước… Từ đó thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa vào hệ sinh thái xe điện.
Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, đại dịch kéo dài đặt ra câu hỏi về tính thời điểm, sức mạnh của sự phục hồi kinh tế và chính sách cần được xem xét để có thể tiến lên phía trước tốt hơn một cách bền vững về môi trường, xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về những vấn đề cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phải làm rõ quan điểm phát triển nông nghiệp của Việt Nam, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp có hiệu quả cao, đặc biệt tập trung vào sản xuất hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng của thế giới.
Về chi phí logictics, đối với toàn bộ nền kinh tế, hiện nay chi phí này chiếm khoảng 17% của GDP, Việt Nam đã có Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, chi phí logictics chỉ còn 5-6% GDP.
Hiện cả nước đang dần chuyển giao từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi. Câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng trước những khủng hoảng trong tương lai. Bởi chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của nó.
Khẳng định nghiên cứu nhằm tìm kiếm các cơ hội cho doanh nghiệp trong nước nâng cao giá trị gia tăng khi đại dịch diễn ra và kinh tế bắt đầu phục hồi. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn có các nghiên cứu sâu hơn, lựa chọn sát hơn, cần thiết trong tình hình hiện nay, bao phủ được một số các ngành, lĩnh vực quan trọng, đồng thời cũng là những gợi ý để bộ nghiên cứu tiếp trong xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế tốt nhất.