Thời điểm thử thách lòng tin
Giới đầu tư mất đi hào hứng khi một số “ông lớn” gây thất vọng khi công bố kết quả kinh doanh quý II. Nhà bán lẻ Thế giới Di động ghi nhận lãi ròng quý II ở mức 17 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong một quý kể từ khi nhà bán lẻ này lên sàn chứng khoán từ năm 2014. Lý do đến từ kết quả ảm đạm của chuỗi điện thoại và các chuỗi nhà thuốc, bán lẻ thực phẩm tiếp tục lỗ. Với mức giá lên đến hơn 50.000 đồng/cổ phiếu, tương đương chỉ số giá trên thu nhập P/E lên đến hơn 40x- một tỷ lệ khá “chát”.
Bất động sản tiếp tục những ngày buồn. Novaland báo lỗ gần 201 tỷ đồng, so với mức lãi 772 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tập đoàn bất động sản này ghi nhận lỗ lên đến 611 tỷ đồng.
Hay như TTC Land báo lãi vỏn vẹn 4 tỷ đồng. Tập đoàn Đất Xanh báo lãi sau thuế 6 tháng đạt 40 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy mây mù vẫn chưa tan trên bầu trời địa ốc mặc dù giá cổ phiếu đã cải thiện đáng kể thời gian gần đây.
Dấu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng xuất hiện ở một số tổ chức tín dụng do kinh tế ảm đạm ảnh hưởng đến sức cầu tín dụng. Công ty tài chính FE Credit bước đầu ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện với mức lỗ đã giảm dần so với thời điểm đầu năm nay.
Các ngành chủ lực khác như dệt may, thuỷ sản, vật liệu xây dựng cũng công bố kết quả kém tích cực.
Có thể thấy chứng khoán Việt Nam 2 tháng gần đây ở giai đoạn overbought. Xu thế này sẽ khiến thị trường rung lắc nếu nhà đầu tư đồng loạt chốt lời gây rút vốn vì cảm thấy thất vọng với lợi nhuận của các doanh nghiệp. Thời gian tới, thị trường dự kiến sẽ rơi vào khoảng trống thông tin và chưa thấy nhiều triển vọng tăng trưởng mới.
Trong lúc này, nền kinh tế vẫn đang chật vật, mặc dù đã ổn định hơn nhiều so với hồi đầu năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 7 là 48.7- cho thấy khu vực sản xuất đang bị co hẹp.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế của S&P Global Market Intelligence, dữ liệu PMI mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn chịu áp lực trong tháng 7, với việc các công ty một lần nữa phải vật lộn để đảm bảo hoạt động kinh doanh mới và điều chỉnh giảm sản lượng theo đó. Bất chấp sự sụt giảm sản lượng gần đây nhất, các công ty vẫn còn hàng tồn kho chưa bán được. “Trên một lưu ý tích cực hơn, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể đang ổn định khi các đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ chậm nhất trong 5 tháng. Các công ty hy vọng rằng điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng mới của các đơn đặt hàng trong những tháng tới”, ông Andrew Harker chia sẻ.
Trong phần còn lại của năm, kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ phục hồi tốt hơn khi lãi suất giảm sẽ hỗ trợ chi phí tài chính, đi cùng chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các hoạt động đẩy mạnh đầu tư công.
Theo một số chuyên gia, nhìn về tương lai, nhờ chi phí lao động, mở rộng chuỗi cung ứng và hạ tầng được tích cực đầu tư sẽ là các yếu tố đảm bảo tính hấp dẫn cho thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã coi nơi đây như một lựa chọn có sự an toàn cao ở châu Á để sản xuất và lắp ráp sản phẩm.