Thúc đẩy giải ngân đầu tư công: Động lực cho tăng trưởng
Đầu tư công - động lực cho tăng trưởng kinh tế |
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công là những vấn đề quan trọng bởi đây là một kênh có tác động lan tỏa tốt, giúp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro gia tăng.
Ngày 17/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một mặt vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế... một mặt vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP cho đất nước, mặt khác gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu.
Điều này tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng, gián tiếp giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mạnh hơn, nhất là sau những cú sốc về khủng hoảng, suy thoái, dịch bệnh...
Kết quả giải ngân 11 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả khá tích cực. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, đây là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.
Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng đầu tư công là kênh quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng 53,8% cho thấy việc này rất bấp bênh. Đây không phải vấn đề mới, mà đã bàn, nói nhiều nhưng chưa được giải quyết căn cơ.
Về nguyên nhân, theo ông Hưng, các bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo Chính phủ, trong đó nêu 25 - 30 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm lĩnh vực. Trong đó thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng...
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, Chính phủ đã có chủ trương đúng đắn là tập trung đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế. Quyết tâm rất cao của Chính phủ thể hiện rõ là nguồn vốn luôn sẵn sàng, đồng thời luôn đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù vậy, kế hoạch giải ngân đầu tư công dù được cải thiện nhưng vẫn chậm so với yêu cầu.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kế hoạch đầu tư công năm 2022 thực hiện trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo.
Số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (120.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2021, trong khi chịu nhiều tác động bên ngoài từ giá nguyên nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với kế hoạch 2021.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Lạm phát duy trì ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi nhanh, mạnh. Giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng.
Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Đặc biệt, các đơn vị cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.