TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy nông nghiệp đô thị
Đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm OCOP TP.HCM khẳng định là kênh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp |
Đây là chương trình nằm trong đề án kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con với chất lượng và năng suất cao.
Hơn thế, TP.Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện chương trình OCOP (chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”) đến năm 2025, trong đó xác định rõ những giải pháp cần triển khai thực hiện để phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch.
Tuy nhiên, khó khăn của ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh đó là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún, thiếu ổn định và sử dụng kém hiệu quả; ô nhiễm nguồn nước và đất đai có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài…
Để ngành nông nghiệp đô thị được phát triển, ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi đề xuất thành phố cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch… một cách khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các trang trại, gia trại và thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn ở quy mô công nghiệp.
Nhằm kịp thời hỗ trợ hội viên nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hồ Chí Minh đề nghị thành phố nghiên cứu và đề xuất Trung ương bổ sung quy định, tạo hành lang pháp lý giúp nông dân có thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác để mở rộng quy mô sản xuất; bổ sung quy định cho phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp vào dự thảo Nghị định về Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.
Về giải pháp để hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp đô thị, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng các nhóm giải pháp như nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch triển khai các chiến lược, cơ chế tài chính; duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống; phát triển khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho người dân; đổi mới công tác khuyến nông theo hướng tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị hàng hóa, xây dựng và khuyến khích các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nhằm phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị...
Lãnh đạo ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, đã đồng thuận việc tiếp tục hỗ trợ một phần lãi vay cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn, để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất. Việc này góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Khẳng định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố xác định phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. “Thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch, tập trung đầu tư hạ tầng, để phục vụ sản xuất và có điều kiện để hội viên nông dân áp dụng khoa học công nghệ cao. Nghiên cứu các mô hình, các kỹ thuật, công nghệ chế biến, thương mại xuất khẩu và kỹ thuật canh tác, công nghệ thực hành nuôi trồng sản xuất; chuyển đổi nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị... , ông Mãi khẳng định.