Triển khai xây 1 triệu căn nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn
Phát triển nhà ở xã hội, kinh nghiệm từ Bình Định TP. Hồ Chí Minh: Vẫn lúng túng trong phát triển nhà ở xã hội “Ngấm thuốc” chính sách, thị trường bất động sản có dấu hiệu khỏe lên |
Tọa đàm "Hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội". |
Cần đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng
Chiều ngày 19/10/2023, Bộ Xây dựng phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Tọa đàm "Hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội".
Theo ông Lê Văn Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc triển khai thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện người dân vẫn phàn nàn về thủ tục mua còn rườm rà, gây khó khăn cho đối tượng mua nhà.
Thời gian xác định tiền miễn sử dụng đất này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Do đó, ảnh hưởng đến thời gian xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhất là những dự án phải kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng và xử lý các công việc liên quan.
Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư cũng gặp nhiều vướng mắc, nhất là khâu xây dựng nhà ở xã hội không phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng vẫn phải thành lập các khâu đánh giá, rồi mới có quyết định miễn tiền sử dụng đất.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp hiện nay đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
"Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 đã xác định", ông Nguyễn Thanh Nghị cho hay.
Riêng trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ ngành và địa phương để thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, giai đoạn 2021-2025 tính đến thời điểm 30/6/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 20.210 căn. Đã cấp phép và đang triển khai xây dựng 110 dự án với quy mô 100.213 căn, ngoài ra đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 309 dự án với quy mô 292.422 căn. Tổng số căn hộ đã hoàn thành và đã cấp phép xây dựng hoặc đã có chủ trương đầu tư xây dựng là khoảng 413.000 căn.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN đã được khởi công là 09 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn, trong đó, nhà ở xã hội 06 dự án; nhà ở công nhân 03 dự án.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội |
Ngoài vốn ngân hàng, cần thêm chính sách hỗ trợ tài chính
Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo, các địa phương đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.
Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 03 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng nhận thức rằng việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ, để hoàn thành vượt chỉ tiêu 33.500 căn nhà ở xã hội và hoàn thành trước năm 2030, Hải Phòng đã đưa ra một số các giải pháp.
Cụ thể, thành phố lựa chọn, bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố nhằm chủ động và linh hoạt trong phát triển nhà ở. Trong đó ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị, các cơ sở sản xuất ô nhiễm cần di chuyển, các khu nhà ở kém chất lượng cần thay thế.
Về quy hoạch, thành phố chuẩn bị trước các định hướng quy hoạch cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố để chủ động phát triển nhà ở xã hội với quan điểm đây là một khu đô thị, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
Về chính sách hỗ trợ tài chính, cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù về tài chính để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội của thành phố, các cơ chế hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách khi thực hiện thuê mua, mua nhà ở xã hội, hỗ trợ ổn định cuộc sống tại các khu nhà ở xã hội mới. Thành phố thực hiện thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao đất.