Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo rủi ro khi mua “sở hữu kì nghỉ”
Những lưu ý khi tham gia giao kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ |
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” đã có mặt từ vài năm nay và là khái niệm không còn quá mới mẻ. Tại một số thời điểm, mô hình nghỉ dưỡng này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí từng được nhắc đến như một giải pháp kích cầu du lịch trong giai đoạn hậu COVID-19.
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ thông tin tước khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” - |
Theo thông tin giới thiêu, người tiêu dùng được giới thiệu về lịch sử phát triển hơn nửa thế kỉ của mô hình này trên toàn thế giới, hàng nghìn điểm trao đổi kì nghỉ tại nhiều hệ thống khách sạn 5 sao.
Bên cạnh các lợi ích được kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng, thời gian qua thị trường chứng kiến không ít phản ánh về việc khách hàng từng tham gia vào hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo.
Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ trước khi tham gia ký hợp đồng với loại hình dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ. Đặc biệt, nhu cầu các sản phẩm du lịch đang tăng khi hè đến.
Ủy Cạnh tranh Quốc gia cho biết, để cung cấp loại hình này, bên bán “sở hữu kỳ nghỉ” có thể sở hữu (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn... Ngay cả trường hợp bên bán sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn.., quyền sở hữu kỳ nghỉ của bên mua không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản và hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là hợp đồng dịch vụ chứ không phải là hợp đồng mua bán bất động sản.
Bên cạnh đó, đối với loại hình bên bán sản phẩm không có dự án, khách sạn..., việc cung cấp sản phẩm tới tay bên mua phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của bên thứ ba do bên bán ký kết/hợp tác.
“Việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị đứt gãy nếu bên phân phối sản phẩm gặp trục trặc từ phía đối tác hoặc thậm chí là rút lui, biến mất. Vì vậy, người mua sản phẩm cần nhận thức rõ các rủi ro này để cân nhắc trước khi quyết định ký hợp đồng", Ủy ban cạnh tranh Quốc gia cảnh báo.
Cùng với đó, hầu như tất cả các hợp đồng mua - bán sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng dài hạn và khách hàng đều phải trả số tiền lớn từ trước. Do đó, người tham gia cần phân tích, đánh giá rõ về rủi ro hoặc tỷ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế.
Ủy bạn Cạnh tranh Quốc gia cho rằng bên cạnh rủi ro đến từ những yếu tố bên ngoài (như việc bên bán không thực hiện đúng hợp đồng cam kết), nhiều phản ánh hiện nay thể hiện việc sản phẩm trên thực tế không như các thông tin quảng cáo. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ không đúng như người mua “trông đợi”, các giao dịch bằng hợp đồng soạn sẵn còn tồn tại rủi ro từ các điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ.
Vì vậy, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.
"Khách hàng cần so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung", Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lưu ý.