Vực dậy ngành công nghiệp cơ khí
Đầu tư phát triển ngành cơ khí | |
Cơ hội để ngành cơ khí đổi mới | |
Cơ khí muốn viết lại “giấc mơ” trụ cột phát triển |
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), hiện nay công nghiệp đã trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng và năng suất lao động cao nhất trong các ngành kinh tế. Cụ thể, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nội ngành ước đạt 92,3% vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 10,69%/năm. Tuy nhiên, khi so sánh với nhiều ngành nghề khác trong nước và của các nước trong khu vực thì ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp cơ khí nói riêng hiện vẫn chưa đủ nguồn lực để phát huy đúng vai trò quan trọng của mình.
Ngành công nghiệp cơ khí hiện vẫn chưa đủ nguồn lực để phát huy đúng vai trò quan trọng của mình |
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI nhận định, khoảng cách về chỉ số cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam ngày càng được thu hẹp, đứng thứ 44 trên thế giới. Tuy nhiên, con số trên phần lớn thể hiện năng lực của doanh nghiệp FDI, còn với doanh nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo của Việt Nam, thứ hạng này đang thấp hơn nhiều. Đồng thời, tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp Việt cũng rất thấp so với các nước trong khu vực; Công nghệ chậm đổi mới, phần lớn tụt hậu so mức trung bình của thế giới; Nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề trong ngành công nghiệp còn thiếu. Mặt khác, sự chuyển dịch cơ cấu nội ngành trong công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chậm, hoạt động chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, hiện phải nhập khẩu tới 91,2% tư liệu sản xuất, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước còn rất thấp.
Thực tế cho thấy, cơ khí chế tạo là ngành công nghiệp rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, trong bối cảnh mới và bức thiết của cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp cơ khí Việt cũng đã tích cực tự vận động theo cơ chế thị trường và đã chế tạo được một số phân ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nước và khu vực. Đó là các phân ngành sản phẩm chế tạo kết cấu thép, sản xuất hàng phi tiêu chuẩn; chế tạo một số máy, thiết bị, phụ tùng phục vụ nhu cầu ngành điện lực, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; chế tạo một số máy canh tác, chế biến, bảo quản nông lâm hải sản, lắp ráp ô tô, đóng tàu viễn dương, tàu chở khách và vận tải thủy...
Ông Đào Phan Long cho biết, nhiều năm qua, Việt Nam đã nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được. Thế nhưng, ngành cơ khí trong nước lại không có được nhiều thị phần, cũng chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn như Quy hoạch điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50 đến 60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển… Do đó, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội tham gia như thông lệ quốc tế.
Khi khảo sát tại các Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), các doanh nghiệp này khẳng định, ngoài các toa xe khách, xe hàng cho đường sắt quốc gia, nhà máy hoàn toàn có thể tự đóng được các toa xe nhẹ cho đường sắt đô thị (metro) khi được yêu cầu.
Bên cạnh đó, cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam/ASEAN, gắn với tỷ lệ nội địa hóa ở cả khu vực doanh nghiệp FDI cũng như cơ khí trong nước...